MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo luật cạnh tranh 2018, việc bán phá giá được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh... Ảnh: Anh Tuấn

Lùm xùm nhượng quyền thương hiệu kem, dấu hỏi về vi phạm Luật Cạnh tranh

Cường Ngô LDO | 06/10/2023 14:37

Mới đây, nhiều cửa hàng nhượng quyền thương hiệu kem nước ngoài tại Việt Nam cho biết, đang “khó sống” vì chính sách giảm 25% giá bán sản phẩm trong khi giảm 8 - 10% giá nguyên liệu đầu vào. Trao đổi với Lao Động, TS Trần Mai Hiến - Phó viện trưởng Viện Kinh tế xã hội số, chuyên gia hàng đầu về cạnh tranh - cho rằng, điều này có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam.

Thưa ông, một thương hiệu kem của nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam được cho là giảm 25% giá bán sản phẩm nhằm tăng thị phần nhưng chỉ giảm 10% giá nguyên liệu, khiến không ít cửa hàng nhận nhượng quyền bị thua lỗ nặng. Từ góc độ pháp luật cạnh tranh, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Việc nhà nhượng quyền một thương hiệu kem nổi tiếng ở nước ngoài ra thông báo sẽ giảm giá nguyên vật liệu 10%, nhưng bắt buộc nhà đầu tư nhượng quyền giảm giá đến 25%. Như vậy, chi phí bán hàng không giảm tương ứng với giá bán sản phẩm, dẫn đến biên lợi nhuận thấp xuống, nhà mua nhượng quyền chịu thiệt.

Hiện chưa thể khẳng định chủ sở hữu thương hiệu nhượng quyền này có vi phạm hay không vì cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, qua phân tích, tôi thấy có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh ở Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc giá bán thấp hơn giá thành là không đúng với quy định của pháp luật cạnh tranh. Đồng thời thương hiệu nhượng quyền F&B này yêu cầu các nhà nhận nhượng quyền đồng loạt giảm giá bán cũng không phù hợp với các quy định hiện hành. Những doanh nghiệp này đã đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam nên bị cấm áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng.

Vậy những doanh nghiệp nhận nhượng quyền ở Việt Nam cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình, thưa ông?

- Để bảo vệ quyền lợi của những nhà nhận nhượng quyền, theo tôi họ cần làm việc cụ thể với chủ sở hữu thương hiệu nhượng quyền đó yêu cầu điều chỉnh lại chính sách sao cho phù hợp.

Nếu chủ sở hữu thương hiệu nhượng quyền này không thay đổi chính sách phù hợp, những nhà nhận nhượng quyền có thể khiếu nại lên Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia. Lúc này sẽ có căn cứ để xác định, đánh giá các vấn đề liên quan, từ việc giá nguyên liệu mà thương hiệu nhượng quyền cung cấp cho khách hàng của mình bao nhiêu, giá bán ra sao… tất cả sẽ được tính toán một cách cụ thể.

Câu chuyện này giống như chiết khấu trong lĩnh vực năng lượng mà các nhà bán lẻ lên tiếng đòi quyền lợi trong thời gian vừa qua. Khi giá cả và chiết khấu xuống thấp, thậm chí về 0 thì nhà bán lẻ kinh doanh không có lãi, thậm chí lỗ nếu tính các chi phí thuê mặt bằng, nhân công, vận chuyển.

Song, điểm khác của câu chuyện này với câu chuyện nhượng quyền của thương hiệu F&B kia là có thời điểm chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ thấp, nhưng có thời điểm chiết khấu cao, tuỳ theo diễn biến của thị trường.

Còn với câu chuyện thương hiệu kem nhượng quyền do chủ sở hữu “áp đặt” các đơn vị nhận nhượng quyền phải đồng loạt giảm giá bán, tôi cho rằng, mục đích ở đây là để chiếm lĩnh thị phần so với các đối thủ khác.

Nhưng việc mở rộng thị phần bằng việc vi phạm pháp luật cạnh tranh là không đúng. Đây cũng là hình thức áp đặt các điều kiện bất lợi với khách hàng (đơn vị nhận nhượng quyền). Đây là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Cạnh tranh đối với các doanh nghiệp và thương hiệu độc quyền.

Từ vụ việc này, ông có cảnh báo gì để các đơn vị, doanh nghiệp tránh những rủi ro, bất lợi khi nhận nhượng quyền kinh doanh?

- Hiện nay, các quốc gia trên thế giới, các tổ chức phòng vệ thương mại, các cơ quan bảo vệ Luật Cạnh tranh nghiêm cấm hành vi bán phá giá là vì vậy.

Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, việc bán phá giá được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị nghiêm cấm khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

Những lùm xùm mấy ngày qua với thương hiệu nhượng quyền đến từ nước ngoài cho thấy mô hình nhượng quyền chưa được hiểu đúng, hiểu đủ và ứng dụng một cách chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Do vậy, khi nhận nhượng quyền kinh doanh một mặt hàng nào đó, nhà nhận nhượng quyền nên có những tư vấn pháp lý về cạnh tranh, có sự thỏa thuận kỹ lưỡng của các bên liên quan. Đặc biệt, trong điều khoản hợp đồng cần phải ghi rõ đơn vị nhượng quyền cần tuân thủ đầy đủ pháp luật của Việt Nam.

Hành vi vi bán phá giá dưới giá thành toàn bộ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Căn cứ Điều 21 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ như sau: Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

Ngoài ra, còn phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn