MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc mua điện mặt trời áp mái với giá 0 đồng để hạn chế phát triển ồ ạt. Ảnh: Tiến Phạm

"Lúng túng với điện mặt trời áp mái"

Cường Ngô LDO | 13/12/2023 16:15

Bộ Công Thương lý giải việc cho kết nối điện mặt trời mái nhà của người dân lên lưới nhưng với giá 0 đồng là để tránh ảnh hưởng tới an toàn, an ninh hệ thống điện. Tuy nhiên, TS Lê Hải Hưng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, giải thích như vậy là không sòng phẳng.

Mua, nhưng giá 0 đồng

Trước năm 2020, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh (trụ sở TPHCM) đã thực hiện lắp đặt thi công cho hàng chục công trình điện mặt trời lớn, nhỏ ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Tổng doanh thu của công ty khoảng 10 tỉ đồng.

Thời gian gần đây, doanh nghiệp này chỉ lắp đặt, thi công được một vài dự án điện mặt trời quy mô nhỏ ở các vùng chưa có hệ thống điện lưới. Hàng trăm công nhân, kỹ sư lắp ráp điện mặt trời chuyển sang làm bảo trì, bảo hành cho các công trình đã lắp đặt trước đó.

"Doanh nghiệp, người dân đầu tư, phát triển điện mặt trời đang "khóc đứng khóc ngồi" vì cơ chế không khuyến khích được người dân sử dụng điện sạch”, ông Trịnh Ngọc Quyết Tiến - Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây lắp Tiến Thịnh nói với Lao Động ngày 10.12.

Theo ông Tiến, nhiều doanh nghiệp, người dân lắp đặt điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà hiện nay không lên lưới được buộc phải chuyển đổi theo hướng khác, nhưng rất manh mún như sạc đầy các pin, ắc quy lưu trữ dùng cho ban đêm, bán cho những nhà đò đi sông, hoặc bán điện cho chùa.

Điện mặt trời mái nhà có thể được huy động lên lưới nhưng không được trả tiền. Ảnh: Nguyễn Phú

"Chưa có chính sách hòa điện từ pin lưu trữ vào lưới điện"

Tại dự thảo Nghị định về cơ chế cho điện mặt trời mái nhà tự sử dụng, Bộ Công Thương đề xuất người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng được kết nối với hệ thống điện quốc gia và bán sản lượng dư cho EVN, nhưng không được trả tiền. Điện dư thừa cũng không được phép bán cho các tổ chức, cá nhân khác. Đề xuất này được giới chuyên gia đánh giá sẽ hạn chế đầu tư vào nguồn điện sạch.

Trao đổi với Báo Lao Động, TS Lê Hải Hưng - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, Bộ Công Thương đang lúng túng trong xây dựng chính sách cho điện mặt trời áp mái.

Ông dẫn chứng, tại TPHCM, nơi có cường độ bức xạ mặt trời khoảng 4,5kWh/m2/ngày, một hộ gia đình bình quân tiêu thụ điện 36kWh/ngày.

Muốn lắp đặt một hệ điện mặt trời áp mái để tạo ra điện năng tương đương với điện năng đã sử dụng, hộ này phải lắp đặt hệ điện mặt trời áp mái công suất 8kWp. Điện năng mà hệ thống phát ra trong một ngày là W = 8kWp x 4,5 kWh/m2/ngày = 36kWh (36 số điện, vừa đủ điện năng gia đình dùng trong một ngày).

Song, điều tréo ngoe ở chỗ, gia đình này hầu như không được sử dụng điện năng “của nhà mình” tạo ra. Bởi vì, buổi sáng, nhu cầu sử dụng điện nhiều thì điện mặt trời chưa phát. Đến buổi trưa khi điện mặt trời phát tốt nhất thì không ai ở nhà. Buổi tối về nhà nhu cầu dùng điện rất cao thì hết nắng nên không có điện mặt trời. Trạm điện mặt trời của gia đình này vô hình trung đã “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

TS Lê Hải Hưng cho hay, khi đầu tư, ai cũng muốn lượng điện dư thừa sẽ được bán và thu tiền về, nếu không sẽ kém hiệu quả. Bộ Công Thương lý giải rằng, sở dĩ cho kết nối điện mặt trời mái nhà lên lưới nhưng với giá 0 đồng để tránh ảnh hưởng tới an toàn, an ninh hệ thống điện.

Tuy nhiên, ông cho rằng, giải thích như vậy là không sòng phẳng. Bởi việc cho phát lên lưới chứng tỏ hệ thống lưới điện vẫn có thể tiếp nhận thêm công suất. "Thà rằng không cho phát điện mặt trời dư thừa lên lưới, còn hơn là cho phát nhưng không trả tiền", ông nói.

Theo TS Lê Hải Hưng, những đề xuất của Bộ Công Thương về chính sách phát triển điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà trong thời gian qua chủ yếu để đối phó với sự phát triển quá nhanh, quá mạnh, quá bùng nổ của nguồn năng lượng tái tạo này; không có nhiều tính hướng để doanh nghiệp, người dân áp dụng một cách minh bạch, sòng phẳng.

TS Lê Hải Hưng cho biết thêm, cách đây khoảng 1 tháng, ông đi thăm 1 doanh nghiệp mua pin lưu trữ của Trung Quốc về lắp ráp, họ có thể lắp đến 1MWh trong 1 ngày. Sau đó, ông mời một xí nghiệp có điện mặt trời đang chịu cảnh bị xả bỏ vào giờ cao điểm để cùng nói chuyện với nhau. Ba người bàn với nhau sẽ làm thử một dự án, dùng pin để lưu trữ 1 triệu kWh bị xả bỏ trong năm của doanh nghiệp này, để bán lại vào giờ cao điểm.

“Nhưng tính đi tính lại thì thấy Nhà nước cũng chưa có chính sách phát lại điện từ pin lưu trữ vào lưới điện. Như vậy, có lưu trữ lại được lượng điện mặt trời đó thì cũng không biết làm thế nào”, ông Hưng nêu.

“Bản chất công nghệ lưu trữ điện năng là lưu trữ điện lúc dư thừa (giờ thấp điểm) và phát lại vào giờ cao điểm. Chắc chắn rằng, chỉ có lưu trữ điện, nhân loại mới có thể loại bỏ được hoàn toàn các loại hình phát điện dùng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai”, ông Hưng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn