MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lương 10 triệu/tháng, không nên mua gói bảo hiểm vượt quá 12 triệu/năm

Đức Mạnh LDO | 12/04/2023 17:30

Xây dựng kế hoạch bảo hiểm là đặt trong kế hoạch tài chính cá nhân tổng thể.

Bao nhiêu tiền cho bảo hiểm thì phù hợp?

Bảo hiểm là một yếu tố quan trọng trong tài chính cá nhân và nằm ở lớp tài sản bảo vệ. Tuy nhiên làm sao để cân đối dành bao nhiêu tiền cho sản phẩm này thì chưa hẳn nhiều người biết. Bởi vẫn còn thực tế một số người chọn đóng bảo hiểm với mức quá cao, tức vào thời điểm thu nhập "thăng hoa", đến khi có biến cố xảy ra như mất việc thì lại chật vật để xoay tiền bù vào. 

Trao đổi với Lao Động, TS Trịnh Thị Phan Lan - Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết: "Xây dựng kế hoạch bảo hiểm là đặt trong kế hoạch tài chính cá nhân tổng thể. Trong tình huống mất thu nhập sẽ cơ cấu tài chính trên cả danh mục tài sản chứ không riêng gì bảo hiểm nhân thọ".

Về cơ bản, nếu không tính tới tài sản thừa kế, chỉ tính thu nhập hiện tại thì phần tài chính dành cho bảo hiểm nên từ 3 - 8% thu nhập. Nếu có tài sản thừa kế thì tỉ lệ sẽ tính trên tổng tài sản, tức khoảng 1% mỗi năm.

Còn theo ông Lâm Minh Chánh - Giám đốc Trường Quản trị Kinh doanh BizUni, nếu mua bảo hiểm nhân thọ thuần túy tức là các sản phẩm bảo hiểm tử vong, tử vong do tai nạn, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, các bảo hiểm liên quan đến việc khám chữa bệnh… thì phí bảo hiểm phải trả hàng năm có thể chiếm khoảng 1% - 3% của tổng thu nhập.

Nếu mua bảo hiểm hỗn hợp hoặc bảo hiểm liên kết đầu tư, tức là những sản phẩm gồm 2 phần: Phần bảo hiểm thuần túy như sản phẩm bên trên và phần tích lũy tài chính thì phí bảo hiểm phải trả hàng năm nên chiếm khoảng 7 - 12% của tổng thu nhập. Những người khá giả, tài chính thoải mái, có thể mua bảo hiểm dạng tích lũy này đến mức 15% thu nhập của họ.

Vậy tính trung bình một người có thu nhập 10 triệu đồng/tháng thì không nên mua bảo hiểm vượt quá 1 triệu đồng/tháng để cân đối chi tiêu. Nhân lên một năm thì gói bảo hiểm nên dưới 12 triệu đồng/năm.

Trong tháp tài sản, bảo hiểm nằm ở lớp tài sản bảo vệ. Ảnh: Lan Nhi 

Loại bảo hiểm nào phù hợp với bạn?

Để biết mình phù hợp với loại hình bảo hiểm nào, Ths Nguyễn Thu Giang - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại CTCP FIDT - cho rằng trước hết khách hàng cần xác định nhu cầu của mình là bảo vệ tài chính hay tích lũy.

Với người có nhu cầu tích lũy, không nên tìm đến kênh bảo hiểm mà nên tìm đến ngân hàng, quỹ đầu tư. Để tránh việc bị mua nhầm bảo hiểm ở những nơi này thì khách hàng nên có trách nhiệm với chữ ký của mình, chắc chắn là mình có đọc và hiểu nội dung các bản để xuất hay hợp đồng mà mình đặt bút ký.

Còn với người có nhu cầu bảo vệ, tốt nhất nên ngồi xuống và tự tính toán nhu cầu của gia đình, người phụ thuộc khi bản thân khách hàng gặp phải các sự kiện không may về nằm viện, tai nạn, bệnh lý, tử vong… Nếu không tự tin có thể xác định nhu cầu và ngân sách phù hợp dành cho bảo hiểm cũng như không tin tưởng vào đề xuất của đại lý bảo hiểm thì có thể tìm đến các cá nhân, tổ chức làm dịch vụ tư vấn độc lập.

Sau khi có bản thiết kế quyền lợi phù hợp, khách hàng có thể yêu cầu bảng minh họa ở 3 công ty bảo hiểm nhân thọ khác nhau. Đơn vị nào có phí thấp nhất thì ký hợp đồng với họ.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý là khách hàng chỉ có ưu thế lựa chọn khi sức khỏe tốt. Còn khi đã có vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là vấn đề có liên quan đến cao huyết áp, viêm gan, tiểu đường… thì khả năng mua được bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm sức khỏe giảm đi đáng kể. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn