MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhu cầu điện phục vụ nuôi trồng thủy sản tăng lên qua các năm

Lượng điện phục vụ nuôi trồng thủy sản tăng gấp hai lần mỗi năm

L.TUYẾT LDO | 11/05/2018 21:12
Tại hội thảo “Tích hợp hệ thống nuôi trồng thủy sản và năng lượng tái tạo, động lực cho phát triển năng lượng tại tạo ở Việt Nam” diễn ra vào ngày 11.5 tại TPHCM, ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) cho biết: Theo ước tính, ngành thủy sản sẽ đạt sản lượng 1.153.000 tấn/năm và tăng trung tình 6,73%/năm. Sản lượng điện phục vụ phục vụ nuôi trồng thủy sản khu vực phía Nam tăng gấp hai lần mỗi năm.

Theo thống kê của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2017, tổng sản lượng thủy sản là 6,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 8,514 tỷ USD, giá trị sản xuất 211.808 tỷ đồng, chiếm 23,6% ngành nông nghiệp. Trong đó, phía Nam, cụ thể là Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm trọng điểm.

Ông Nguyễn Phước Đức trình bày giải pháp cấp điện phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản khu vực phía Nam tại hội thảo.

Theo ông Nguyễn Phước Đức, việc cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản vẫn gặp những khó khăn như: Việc quy hoạch vùng nuôi tôm chưa hoàn thiện, chưa có các cơ chế phối hợp hoạt động chung giữa các ngành. Đa số các hộ nuôi tôm đang sử dụng chính nguồn điện thắp sáng để chạy động cơ kéo quạt nước cung cấp oxy cho tôm; đồng thời còn sử dụng các thiết bị như motor, cánh quạt, trục quay có hiệu suất thấp, tiêu thụ điện năng cao dẫn đến quá tải lưới điện khu vực và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cung cấp điện.

Việc cung cấp điện cho nuôi tôm theo mùa vụ gặp nhiều khó khăn do các hộ dân nuôi nhỏ lẻ, thời vụ thả tôm đồng loạt làm cho phụ tải tăng đột biến làm quá tải cục bộ...

Tại các tỉnh phía Nam, EVN SPC đưa ra giải pháp là tăng cường sử dụng hệ thống điện mặt trời nối lưới trong nuôi trồng thủy sản. Giải pháp này sẽ góp phần giảm tải cho hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống tải tiêu thụ tại chỗ, tiết kiệm chi phí vận hành, giảm phát thải khí CO2 ra môi trường.

Giá thành sản xuất năng lượng điện tái tạo không biến động theo sự thay đổi giá của nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống và chi phí đầu tư luôn giảm theo thời gian nhờ sự phát triển của công nghệ. Điều này sẽ giúp làm giảm chi phí sản xuất cho các đơn vị nuôi trồng thủy sản vì chi phí điện luôn là một trong những phần chi phí sản xuất lớn nhất, chiếm khoảng 10%.

Với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc áp dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản một cách bền vững và bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn