MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được thanh lọc. Ảnh: LD

Lượng trái phiếu mua lại trước hạn tăng cao

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 12/10/2022 08:47

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là hơn 28.800 tỉ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước.

Chi hàng nghìn tỉ đồng mua lại trái phiếu 

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là hơn 142.200 tỉ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng trong tháng 9 vừa qua, có tổng cộng 25 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành là 15.363 tỉ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á trị giá 235,4 tỉ đồng.

Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 9.623 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) phát hành nhiều nhất với giá trị 3.090 tỉ đồng. Theo sau là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 2.000 tỉ đồng, Ngân hàng Phương Đông (OCB) với 1.800 tỉ đồng, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) với 750 tỉ đồng.

Nhóm bất động sản đứng thứ hai với Công ty Cổ phần No Va Thảo Điền (thành viên Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova, Novaland) phát hành 2.300 tỉ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm. Nhóm hàng tiêu dùng đứng thứ ba với Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan phát hành 1.500 tỉ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Công phát hành 600 tỉ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.499 tỉ đồng, giảm 9,37% so với cùng kỳ năm ngoái (chiếm khoảng 4,3% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 233.692 tỉ đồng, giảm 40% (chiếm khoảng 95,7% tổng giá trị phát hành).

Đáng chú ý trong nhóm mua lại trái phiếu trước hạn có thể kể tới như Yamagata mua lại sớm 17 lô trái phiếu với giá trị hơn 4.500 tỉ đồng và Azura tất toán trước hạn hơn 7.300 tỉ đồng.

Như vậy, hai doanh nghiệp trên đã chi ra hơn 12.000 tỉ đồng để trả lại cho trái chủ trước hạn. Một số trường hợp khác như: CTCP Hoàng Anh Gia Lai cũng hoàn tất mua lại trước hạn 605 tỉ đồng trái phiếu; Ngân hàng OCB hoàn tất mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu lớn với tổng giá trị 2.000 tỉ đồng vào cuối tháng 9;...

Giúp cải thiện tình hình tài chính

Trao đổi với PV, một chuyên gia tài chính cho biết việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ giúp cho doanh nghiệp không phải trả chi phí lãi vay đang khá cao, đồng thời giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu. Đồng thời, các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp cũng sẽ được cải thiện hơn. 

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, với Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP thị trường được kỳ vọng sẽ tăng tính minh bạch hơn. 

Đáng chú ý, nghị định mới cũng yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, trong đó bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.

Trước và sau khi phát hành, doanh nghiệp phải có công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố. Bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm…

Theo Bộ Tài chính, nghị định mới cũng nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, bổ sung các quy định để tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cá nhân khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đại diện Bộ Tài chính cũng lưu ý các doanh nghiệp phát hành phải bảo đảm tính trung thực của hồ sơ chào bán trái phiếu, sử dụng vốn đúng mục đích.

Đồng thời, có trách nhiệm giải thích cho nhà đầu tư các thông tin liên quan đến phương án phát hành, các rủi ro pháp lý, rủi ro đầu tư, rủi ro sử dụng vốn, quyền, lợi ích và trách nhiệm pháp lý của các bên khi phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu trong thời gian tới tiếp tục được chờ đợi là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp. 

Theo ông Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đánh giá, những năm qua thị trường trái phiếu tăng trưởng khoảng 30-35% mỗi năm. Nếu tốc độ tăng trưởng này vẫn được duy trì thì 6 năm nữa, tổng quy mô thị trường sẽ tăng lên 11,2 triệu tỉ đồng. Từ đó nguồn vốn trung và dài hạn mà hệ thống các tổ chức tín dụng đang phải gánh có thể sẽ được san sẻ bớt áp lực. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn