MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo truyền thống. Ảnh: Tân Long

Lý do giá gạo Việt giữ ngôi vương khi giá gạo nhiều nước lao dốc

Vũ Long LDO | 03/06/2023 07:19
Ngày 2.6.2023, giá gạo xuất khẩu của Pakistan bất ngờ giảm mạnh tới 25 USD/tấn, trong khi gạo Việt vẫn giữ được "ngôi vương".

Giá gạo Việt đang giữ “ngôi vương”

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, ngày 2.6.2023, giá gạo xuất khẩu của Pakistan đã giảm mạnh tới 25 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và giảm tới 20 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.

Sau khi “lao dốc”, giá gạo của Pakistan chào bán trên thị trường thế giới hiện còn 503 USD (gạo 5% tấm) và 468 USD/tấn (gạo 25% tấm).

Trước đó 1 tuần, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan cũng giảm 5 USD/tấn. Sau khi giảm giá, gạo Thái Lan hiện được xuất khẩu với giá 493 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam 5 USD.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Intimex Group (một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu gạo) - cho biết: Mặc dù giá gạo của Pakistan đang ở mức cao, nhưng chủ yếu bán cho các nước đạo hồi ăn gạo đồ. Chính vì vậy, sự biến động về giá cũng như số lượng xuất khẩu gạo của Pakistan không tác động lên thị trường lúa gạo của Việt Nam.

Chất lượng gạo không ngừng tăng cao đã tạo “điểm tựa” để giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Ảnh: Vũ Long

Chính vì vậy, giá gạo của Việt Nam chào bán lẻ trên thị trường quốc tế vẫn ở mức cao, từ 530-560 USD/tấn tùy loại.

“1 tuần trước, giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam ở mức 528 USD/tấn. Thậm chí, có một số doanh nghiệp ký hợp đồng lẻ bán được với giá cao 560 USD/tấn”- ông Đỗ Hà Nam cho hay.

Sở dĩ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng trong thời gian qua, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến, Việt Nam đã có 85% là giống lúa chất lượng cao và 89% là gạo chất lượng cao. Chính vì thế, giá gạo Việt Nam đã vượt gạo Thái Lan trong thời gian vừa qua.

Xác định mục tiêu và chú trọng các thị trường tiềm năng

Theo Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, ngoài các thị trường truyền thống, Việt Nam còn xuất khẩu gạo sang 54 quốc gia Châu Phi với khối lượng đạt trên 600 nghìn tấn. Trong đó, các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất gồm Ghana, Bờ Biển Ngà, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania, Ai Cập…

Tuy nhiên, các doanh nhân ngành lúa gạo (và hầu hết ngành hàng khác) đều đánh giá rất cao thị trường Trung Quốc với trên 1,4 tỉ dân, khá đồng điệu với văn hóa ẩm thực của Việt Nam, có thói quen ăn gạo và “biết ăn gạo”.

“Top” các nước xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc trong tháng 4.2023. Đồ họa do Dương Vũ Rice cung cấp

Ông Nguyễn Quang Hòa - một trong những doanh nhân có lượng gạo xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung -  cho hay: 3 thị trường xuất khẩu gạo quan trọng nhất của Việt Nam là Philippines, Trung Quốc, Indonesia. Các thị trường này cũng đòi hỏi chất lượng gạo cao hơn và dĩ nhiên họ chấp nhận mức giá cao hơn, nên giá trị kim ngạch mang về vượt trội, khác với giá trị gạo xuất sang các nước Châu Phi.

“Các nước Philippines, Indonesia, Trung Quốc yêu cầu gạo chất lượng cao từ Việt Nam, người dân các nước này không ăn gạo Pakistan hay gạo Ấn Độ vì gạo các nước đó có phẩm cấp thấp hơn gạo Việt Nam. Chính vì vậy, nếu Ấn Độ hay Pakistan có tăng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, cũng làm biến động lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Các doanh nhân Việt Nam cũng xác định rất rõ phân khúc thị trường và ý thức để giữ vững những thị trường tiềm năng, mang lại hiệu quả thương mại lớn này” - ông Nguyễn Quang Hòa nói.

Ông Nguyễn Quang Hòa cũng nhấn mạnh: Sản xuất lúa gạo là ngành không có lợi nhuận cao. Mặc dù vậy, tìm được các khách hàng từ các thị trường lấy gạo làm lương thực chính sẽ tăng thêm giá trị cho gạo Việt, vì chỉ những người "sành" ăn gạo mới thẩm định được chất lượng và giá trị của gạo Việt.

"Chính vì vậy, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường truyền thống (Philippines, Indonesia) luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu của chiến lược tái cơ cấu ngành lúa gạo: Xuất khẩu giảm lượng, nhưng tăng giá trị” - ông Nguyễn Quang Hòa nhấn mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo chiến lược tái cơ cấu ngành lúa gạo, Việt Nam đã và đang nâng cao giá trị của cây lúa, giảm diện tích trồng lúa, giảm sản lượng xuất khẩu nhưng tăng năng suất, tăng giá trị xuất khẩu.

Theo đó, đến năm 2030 dù xuất khẩu chỉ 4 triệu tấn gạo mà không cần đến phải xuất khẩu từ 6,5-7 triệu tấn gạo như hiện nay, Việt Nam vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu gạo hàng năm từ 3,5-4 tỉ USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn