MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GDP tăng 8,02% so với cùng kỳ. Ảnh: Cường Ngô

Lý do khiến GDP tăng cao nhất trong 12 năm

Cường Ngô LDO | 30/12/2022 16:38

Ngoài lý do mức nền so sánh thấp khi 2021 vốn là năm chịu thiệt hại nặng nề bởi COVID-19 với GDP chỉ tăng 2,58% so với 2020, thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đạt 8,02% còn đến từ điểm sáng xuất nhập khẩu, tiêu dùng nội địa, thu hút FDI.

GDP tăng 8,02% cao nhất 12 năm

Ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, thời điểm này, toàn bộ phân xưởng, máy móc đều phải hoạt động 24/24 giờ và công nhân cũng phải chia 3 ca để cả ngày lẫn đêm vẫn điều khiển máy, nhằm kịp sản xuất những đơn hàng đang vào giai đoạn nước rút. Mỗi ngày, hơn 2.000 công nhân tại các phân xưởng làm ra 3.000 sản phẩm xuất khẩu. 

Việc doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, có nhiều đơn hàng xuất khẩu đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong năm 2022.

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm 29.12 cho biết kinh tế Việt Nam năm nay tăng 8,02%, mức kỷ lục của giai đoạn 2011-2022. Con số này đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước dự báo từ trước. Ngoài lý do mức nền so sánh thấp khi 2021 vốn là năm chịu thiệt hại nặng nề bởi COVID-19, với GDP chỉ tăng 2,58% so với 2020, thì còn đến từ điểm sáng tiêu dùng nội địa, xuất khẩu...

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhận định mức tăng trưởng 8,02% năm 2022 là cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

"Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao", bà Hương nhận định.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế với mức tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Theo Tổng cục trưởng, hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là động lực quan trọng. Ngành này ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2022 tăng cao so với năm trước, trong đó, bia tăng 35,3%, thủy hải sản chế biến tăng 15,7%, linh kiện điện thoại tăng 15,1%, ôtô tăng 14,9%, xăng, dầu tăng 13,7%.

GDP tăng cao nhờ thu hút FDI, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Ảnh: Cường Ngô 

Cùng với đó, khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Trao đổi với Lao Động về thành tựu kinh tế Việt Nam trong năm nay, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: "Khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại từ cuối năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ phục hồi mạnh mẽ, mà còn chớp thời cơ, biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh, bền vững.

Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng mọi cơ hội để mở rộng, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, chiếm lĩnh thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế. 

Trong đó, nhiều doanh nhân Việt đã tiên phong, vươn ra thị trường thế giới với những chiến lược và tư duy mang tính dài hạn. Đây là sự phát triển vượt bậc của doanh nhân Việt Nam mà cả xã hội ghi nhận, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam".

Không được chủ quan

TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, mặc dù kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng không được chủ quan.

Bởi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, đối diện với áp lực điều hành giá, lãi suất, tỉ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương Mỹ và Châu Âu (hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam).

Sự ổn định vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn trong nước cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trước xu hướng kinh tế thế giới đang ở thời điểm tăng trưởng chậm lại. Thậm chí một số nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái cục bộ ngắn hạn. Bên cạnh đó là những tác động của biến đổi khí hậu, những căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, thực tiễn cũng đòi hỏi cần có nhiều đột phá thực sự và đồng bộ, thực chất cả về nhận thức và thể chế trong việc tháo gỡ điểm nghẽn về ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu (nổi bật là xăng, dầu) cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023.

Đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và thị trường tín dụng, thị trường lao động, cũng như trong tái cơ cấu kinh tế và định hướng lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh triển khai các cấu phần trong chương trình phục hồi, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn