MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án xây dựng Nhà máy Lego (Tập đoàn Lego - Đan Mạch), có vốn đầu tư 1,3 tỉ USD. Ảnh: Đình Trọng

Lý do không thu được nhiều thuế từ dự án nhà máy 1,3 tỉ USD ở Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG LDO | 24/01/2024 08:26

Dự án xây dựng Nhà máy Lego (Tập đoàn Lego - Đan Mạch, sản xuất đồ chơi Lego, tại Khu Công nghiệp VSIP III, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), khởi công tháng 11.2022, dự kiến xuất khẩu nửa cuối năm 2024.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, đến thời điểm hiện nay, tổng số vốn đăng ký đầu tư của dự án là 1,3 tỉ USD. Đây là một trong những dự án có vốn đầu tư lớn nhất tại Bình Dương. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2022 tại Bình Dương, mở ra nhiều kỳ vọng cho sự phát triển của tỉnh.

Nhiều người cho rằng, dự án sẽ giúp tăng thu ngân sách cho tỉnh. Tuy nhiên theo Cục Hải quan Bình Dương, dự kiến nguồn thu ngân sách từ dự án này không nhiều.

"Công ty Lego là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Bình Dương trên 1 tỉ USD. Đây là nguồn vốn đầu tư rất lớn. Tỉnh và Hải quan Bình Dương rất tạo điều kiện cho công ty này. Công ty Lego cũng đã ký kết doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Nhà máy sản xuất đồ chơi được xây dựng trên diện tích 44 ha đất.

Tuy nhiên, Công ty Lego chủ yếu tạo việc làm, tạo môi trường đầu tư và nhiều vấn đề khác ở trong nội địa. Về thu thuế nhập khẩu thì dự kiến không thu được hoặc không thu được nhiều từ doanh nghiệp này, bởi vì doanh nghiệp này đầu tư vào Bình Dương theo dạng doanh nghiệp chế xuất (được miễn thuế nhập khẩu)", đại diện Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cho biết.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, ngày 9.1 vừa qua, các công việc đều diễn ra theo đúng kế hoạch. Tập đoàn cũng đang tích cực phối hợp với các bên liên quan để hoàn thành đấu nối lưới điện 110kV, triển khai điện năng lượng mặt trời trong thời gian sớm nhất.

Dự án tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động. Ảnh: Đình Trọng

Dự kiến nhà máy sẽ được xây dựng xong và đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2024. Từ khi xây dựng cho đến nay, công trình đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động ở Bình Dương. Doanh nghiệp cũng đang lên kế hoạch tuyển dụng lao động để vận hành nhà máy. Sẽ có khoảng 4.000 lao động có việc làm khi nhà máy xây dựng và đi vào hoạt động.

Theo ghi nhận, từ khi xây dựng nhà máy này, đô thị ở khu vực phường Hội Nghĩa, thành phố Tân Uyên cũng dần phát triển hơn. Đường ĐT 746 đang được mở rộng, nhà dân xây dựng nhiều hơn và khang trang hơn tại đây.

Tuyến đường ĐT 746 đang được mở rộng hơn. Ảnh: Đình Trọng

Bên cạnh đó, đây cũng là một dự án xây dựng nhà máy trung hòa carbon (phát thải ròng bằng 0) đầu tiên ở Bình Dương. Vì vậy, dự án là động lực để doanh nghiệp ở Bình Dương dần thay đổi công nghệ, hướng đến sản xuất xanh, sinh thái, bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn