Ngày 11.1.2024, ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) điều chỉnh tăng lãi suất huy động.
Theo đó, với tài khoản tiền gửi dưới 1 tỉ đồng, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng được điều chỉnh tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm lên 4,4%/năm.
Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng cũng tăng thêm 0,1 điểm phần trăm và đồng loạt niêm yết ở mức 5,2%/năm.
Ngoài ra, lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 13 tháng giảm xuống còn 5,1%/năm, đồng thời giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn: 12 tháng (5,1%/năm); 1-2 tháng (3,3%/năm); và 3-5 tháng (3,4%/năm).
Trước VPBank, trong tháng 1.2024, có hai ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng là ACB và ABBank.
Lý giải về việc 1 loạt các ngân hàng tăng lãi suất huy động khi vừa bước sang năm mới, TS Châu Đình Linh - giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM khẳng định điều đầu tiên phải xác định việc tăng lãi suất đang thuộc nhóm các ngân hàng nào.
TS Linh lý giải, các nhóm ngân hàng dẫn đầu thị trường (về quy mô, lợi nhuận, mức độ an toàn vốn hay về các mức xếp hạng tín nhiệm cao của các tổ chức thế giới), nếu đang có xu hướng giữ nguyên hoặc đang điều chỉnh giảm lãi suất huy động, khi đó người dẫn sẽ hiểu nhu cầu huy động vốn của cả hệ thống ngân hàng.
"Trong khi đó, nhóm ngân hàng top giữa hoặc top dưới điều chỉnh lãi suất lại không thể hiện điều trên. Thay vào đó, việc điều chỉnh tăng lãi suất, nhất là ở các ngân hàng top dưới, cho thấy các ngân hàng này đang có động thái muốn thu hút tiền của doanh nghiệp, người dân để giúp học đạt được mục tiêu tài chính" - TS Linh cho biết.
Theo chuyên gia, các mục tiêu tài chính có thể là để đáp ứng thanh khoản, hoặc những kế hoạch kinh doanh trong năm tới của ngân hàng, hoặc huy động vốn để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng...
Ba ngân hàng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động thời gian qua là ACB, VPBank, và ABBank, đều là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vừa (tổng tài sản hơn 100.000 tỉ đồng).