MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng liên tục trong gần 4 tháng qua. Ảnh: Đức Mạnh

Lý giải cú sập sâu cháy túi nhà đầu tư chứng khoán vừa qua

Hương Nguyễn LDO | 21/08/2023 11:26

Cú sập thị trường chứng khoán cuối tuần qua, khiến không ít nhà đầu tư choáng váng. VN-Index “bay” 55 điểm, hơn 150 mã nằm phơi sàn. Khối lượng giao dịch cao nhất từ trước tới nay với 1,69 tỉ cổ phiếu. Trên khắp các diễn đàn và room chứng khoán, tiếng than vãn của các “chứng sĩ” như: “Bay sạch lãi trong thời gian qua rồi, tiếc ngẩn ngơ”, “thị trường đi lên tốc độ như đi thang bộ mà lúc rơi thì như tốc độ thang máy”, “ngày thứ 6 đen tối lại đến...”.

VN-Index giảm sốc với tốc độ choáng váng

Nguyên nhân nào khiến thị trường bất ngờ lao dốc thảm? Nếu bình tĩnh phân tích có thể thấy thị trường chứng khoán đã tăng liên tục gần 4 tháng mà chưa có nhịp điều chỉnh đủ mạnh nào diễn ra. Khi thấy cổ phiếu trụ VIC giảm sàn cùng tâm lý chốt lời khiến lực bán tăng mạnh.

Ông Nguyễn Nhật Khánh - Trưởng phòng Tư vấn Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam - cho rằng: “Thứ nhất, thời gian qua thị trường đã tăng nóng mà chưa có nhịp điều chỉnh nào. Suốt thời gian dài VN-Index chỉ có một vài phiên giảm nhưng chưa thể gọi là nhịp điều chỉnh mạnh. Phiên chỉnh mạnh vừa qua là thời điểm tốt để những người mới tham gia thị trường. Thứ hai, câu chuyện VinFast với mã trụ cột là VIC đã tăng từ 5x lên 7x, đóng góp lực lớn giúp VN-Index tăng mạnh. Tuy nhiên, 2 phiên giao dịch cuối tuần giá cổ phiếu VFS trên sàn NASDAQ đã không đạt được giá trị kỳ vọng khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc định giá Tập đoàn ôtô xe điện xếp thứ 2 chỉ sau Tesla. Điều này khiến gây ra những tranh cãi trái chiều và tác động tâm lý khiến giá cổ phiếu VIC ở Việt Nam giảm mạnh. Khi VIC, VHM nằm sàn thì đây là cú sốc về mặt tâm lý với nhiều nhà đầu tư. Thứ ba, thông tin Công ty Chứng khoán VPS cắt giảm margin trên diện rộng đã kích hoạt một lệnh lớn bán ra. Khi margin thị trường giảm 10.000 - 20.000 tỉ đồng thì gây tác động rất mạnh”.

Ông Nguyễn Công Trạng - Phó phòng Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) - cho rằng: “Nhịp điều chỉnh hiện nay là bình thường. Tâm điểm chú ý của thị trường là tốc độ tăng lãi suất của FED. Việc kỳ vọng FED hạ lãi suất nhanh chóng và mạnh là khó. Khả năng cao FED tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao. Trong tình huống đó, Việt Nam có đi ngược lại chính sách thắt chặt không thì thị trường chứng khoán cần ổn định lại để suy xét thông tin này. Những phiên giao dịch gần đây VIC kéo thị trường tăng liên tiếp, các cổ phiếu còn lại đã suy yếu nên nhịp điều chỉnh là hợp lý”.

Nhà đầu tư nên làm gì lúc này?

Nếu nhà đầu tư căng margin thì đây là thời điểm để cơ cấu lại danh mục đầu tư về tỉ trọng hợp lý. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, con sóng uptrend kéo dài gần 4 tháng qua nhờ tâm lý kỳ vọng đối với chính sách tiền tệ nới lỏng có thể đã kết thúc, thị trường đã đủ tín hiệu để xác nhận rằng, trạng thái phân phối đã diễn ra.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, một chuyên gia cho biết: “Thị trường sập nhanh thì sẽ lên nhanh, không cần quá lo ngại khi đang nắm giữ cổ phiếu có câu chuyện riêng”.

Ông Nguyễn Công Trạng cho rằng, không nên vội phán đoán thị trường sẽ tăng hay giảm mà đưa ra chiến lược giao dịch chứ đừng vội phản ứng theo thị trường quá nhanh như thị trường mới sập 1 phiên thì đã FOMO bán tháo. Nên đưa tỉ trọng margin về mức an toàn.

Với góc nhìn tích cực, ông Nguyễn Nhật Khánh cho rằng: “Thị trường có khả năng đang mới chỉ ở chân con sóng phục hồi ban đầu. Hiện lãi suất đã về thấp gần trước dịch COVID-19. Rủi ro còn đó nhưng nhiều tín hiệu tích cực còn ở nhiều phía trước. Nếu bạn là nhà đầu tư mới tham gia thị trường thì không nên dùng margin trong giai đoạn này trở đi các phiên sập như thứ 6 tuần trước sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Nếu không dùng margin thì không cần hành động gì lúc này. Thị trường đang vào nhịp uptrend”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn