MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện tượng "nhập siêu" một số mặt hàng như hạt điều, hồ tiêu, gạo Ấn Độ là để phục vụ chế biến. Ảnh: TL

Lý giải nguyên nhân nhập siêu gạo, hồ tiêu, hạt điều tăng đột biến

Vũ Long LDO | 26/12/2021 08:52

Trong năm 2021, một số mặt hàng nông sản như gạo, hạt điều, hồ tiêu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến và "nghiêng" về nhập siêu.

Gạo, hạt điều, hồ tiêu nhập siêu có bất thường?

Trong những tháng đầu năm 2021, một số doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cũng cho thấy, chỉ trong quý I/2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam đã đạt gần 247 nghìn tấn, trị giá 74,8 triệu USD, tăng đột biến đến hơn 3.250 lần về lượng và tăng gần hơn 554 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng gạo nhập khẩu của Ấn Độ ở thời điểm này được cho là cao đột biến và cần phải làm rõ nguyên nhân.

Vì vậy, ngày 25.6.2021, Bộ Công Thương đã lập đoàn kiểm tra thi hành pháp luật với thương nhân xuất nhập khẩu gạo tại 5 doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Long; Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Thuận Minh; Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến.

Ngoài mặt hàng gạo, theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 12.2021, Việt Nam đã chi khoảng 4,119 triệu USD để nhập khẩu 2,83 triệu tấn điều thô - con số cao nhất lịch sử sau nhiều năm nước ta xuất nhập khẩu điều.  

Hồ tiêu cũng là mặt hàng nhập siêu trong năm qua. Đặc biệt, nguồn hồ tiêu nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ Campuchia. Số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy, trong 11 tháng năm 2021, nhập khẩu hồ tiêu từ Campuchia tăng 111% so với cùng kỳ năm trước.

Vùng nguyên liệu điều trong nước chưa đủ cho nhu cầu xuất khẩu. Ảnh: TL

Theo nguyên Phó Chủ tịch VPA Nguyễn Nam Hải, sản lượng hồ tiêu ở các tỉnh biên giới Campuchia giáp Việt Nam ước đạt 30.000 tấn/năm, chủ yếu bán sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Hai năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên một lượng hồ tiêu Campuchia chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. 

Đi tìm lời giải

Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, khẳng định: Việc tăng cường nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thậm chí tình trạng nhập siêu là hết sức bình thường.

“Doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ thì cũng như doanh nghiệp Ấn Độ nhập khẩu gạo của Việt Nam, đó là chuyện bình thường trong xu thế hội nhập hiện nay. Hơn nữa,  nhu cầu sử dụng gạo 100% tấm của Việt Nam đang cần trong khi nguồn này trong nước rất ít, giá lại cao. Trong khi đó  mặt hàng này tại Ấn Độ lại nhiều, giá rẻ hơn, nên việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ tăng cao là chuyện bình thường trên thương trường" - ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Lao Động, đại diện 1 trong 4 doanh nghiệp nhập khẩu gạo Ấn Độ (đề nghị không nêu tên) với số lượng lớn trong năm 2021 cho biết, tập đoàn của ông làm việc trong nhiều lĩnh vực, trong đó chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi là thế mạnh. Tại thời điểm đầu năm 2021, giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, cụ thể là ngô và đậu tương tăng cao, trong khi gạo của Ấn Độ có giá rẻ hơn nhiều nên việc chọn mua gạo Ấn Độ để chế biến thức ăn chăn nuôi là hợp lý.

Còn về hồ tiêu, theo nguyên Phó Chủ tịch VPA Nguyễn Nam Hải, các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu nhập hồ tiêu để chế biến xuất khẩu. 

Thông tin tới PV Lao Động, ông Đặng Hoàng Giang – Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết:  Campuchia là một trong những nguồn cung điều nguyên liệu cho Việt Nam nhưng sản lượng nhập khẩu trước đây chỉ khoảng 200.000 tấn/năm và chưa từng vượt mức 300.000 tấn/năm.

Cuối năm 2017, Vinacas đã công bố kế hoạch hợp tác cùng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia xây dựng vùng nguyên liệu với mục tiêu đưa sản lượng lên 1 triệu tấn điều thô vào năm 2025 và vùng nguyên liệu này đang tăng sản lượng.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - thông tin: Nguồn nguyên liệu điều trong nước không đủ cho nhu cầu xuất khẩu, do đó, trung bình mỗi năm Việt Nam cần nhập khoảng 1,4 triệu tấn điều thô. Thương mại phải do thị trường điều tiết, không thể can thiệp bằng các “mệnh lệnh hành chính”, khi cần thì yêu cầu người dân trồng, khi dư thừa thì yêu cầu phá bỏ.

Trả lời câu hỏi của PV Lao Động, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng như hạt điều, hồ tiêu... tăng là do giá thế giới tăng, bên cạnh đó, các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu để dự trữ nguyên liệu, phục vụ sản xuất trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn