MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực chuẩn bị xây dựng bến xe Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: CAO NGUYÊN

Lý giải việc Hà Nội cấp phép cho bến xe tạm Yên Sở tới 50 năm

VƯƠNG TRẦN LDO | 15/07/2018 13:23
Bến xe Yên Sở với diện tích 3,2ha (cạnh công viên Yên Sở, quận Hoàng Mai) nằm trên đường vành đai 3, cách bến xe Nước Ngầm chỉ 1km được cấp phép lên tới 50 năm khiến nhiều người băn khoăn.

50 năm cho toàn dự án

Như Lao Động đã đưa tin, Hà Nội có chủ trương xây dựng bến xe Yên Sở (nằm trên đường vành đai 3, thuộc địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai). Theo đồ án quy hoạch, bến xe Yên Sở, cách nút giao Pháp Vân - vành đai 3 khoảng 1km, cách Bến xe Nước Ngầm 1,6km.

Trong khi đó, nút giao Pháp Vân - vành đai 3 đang là điểm tắc nghẽn giao thông lớn của Hà Nội. Điều này khiến rất nhiều người quan tâm lo lắng. Mặt khác, bến xe Yên Sở được quy hoạch là bến xe khách liên tỉnh trung hạn, thế nhưng lại được cấp phép đến 50 năm càng khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu, thắc mắc.

Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho hay: Bến xe Yên Sở được quy hoạch trong đồ án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội. Việc cấp phép 50 năm là cấp cho cả dự án. Công năng của dự án này không chỉ là mỗi bến xe liên tỉnh mà còn có cả bến, bãi đỗ xe.

“Bến xe Yên Sở chỉ tạm với chức năng bến xe khách liên tỉnh, còn sau đó khi có bến phía Nam mới sẽ chuyển thành bãi đỗ xe là dài hạn. Ðồng thời, việc cấp phép 50 năm cũng là cam kết để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn vào dự án” – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.

Ông Viện cho hay, sau khi đầu tư xong bến xe Yên Sở sẽ tổ chức điều chuyển các tuyến xe khách liên tỉnh tại bến xe Giáp Bát về bến xe Yên Sở để giảm tải áp lực giao thông cho tuyến QL1. Bến xe Giáp Bát sẽ chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe.

Còn về lâu dài, sau khi đầu tư hoàn thành bến xe khách phía Nam (khu vực Ngọc Hồi – Vành đai 4) thì bến xe Yến Sở và Nước Ngầm sẽ chuyển thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe.

Còn nhiều băn khoăn

Vấn đề xây dựng bến xe Yên Sở cũng nhận được khá nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng của các chuyên gia.

Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - lo ngại: “Tôi ủng hộ chủ trương di dời các bến xe ra vành đai 4 tuy nhiên quy hoạch này lại sinh ra một hạt sạn khi cho lập thêm một bến xe mới trong nội đô.

Bến xe Yên Sở này gần công viên Yên Sở, tôi lo ngại chỉ 1, 2 năm sau khi khu vực này phát triển, đô thị hóa lên thì bến xe này lại nằm trong khu dân cư. Hơn nữa, đây là bến xe trung hạn nhưng lại được cấp phép hoạt động 50 năm là điều vô lý vì đến năm 2030 các bến xe phải di dời ra khỏi nội đô rồi”.

Còn theo TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư Trưởng TP. Hà Nội  -đưa ra lời khuyên: "Bến xe hiện nay đừng nên gây thêm áp lực lên khu vực nội đô. Đang xây dựng vành đai 4 thì đưa hết ra đó, đầu tư vận tải công cộng, không nên làm bến xe liên tỉnh ở khu vực vành đai 3 nữa".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn