MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mã chứng khoán NKG, HSG, FPT, GMD, PVT, MSN dự báo tiềm năng "hot"

Trà My LDO | 08/08/2021 08:18

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, những mã chứng khoán tiềm năng tăng trưởng tốt trong những quý cuối năm liên quan đến hoạt động xuất khẩu, vận tải, tiêu dùng.

Trong tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 1.2020 với tổng giá trị mua ròng là 3.602 tỉ đồng (tương đương 155 triệu USD). Trong đó, quỹ Fubon ETF là nhân tố chính khi hút ròng 3.953 tỉ đồng (tương đương 171 triệu USD). Theo đại diện Fubon, họ đánh giá cao khả năng kiểm soát dịch COVID-19 và nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển thị trường chứng khoán (sử dụng hệ thống giao dịch mới để giải quyết vấn đề tắc nghẽn lệnh).

“Động thái của các nhà đầu tư nước ngoài là dễ hiểu khi thị trường Việt Nam có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ sau khi kiểm soát dịch COVID-19 với P/E dự phóng 2022F là 12,96 và tăng trưởng EPS 2022F 16,16% theo ước tính của Bloomberg. Mức tăng trưởng và định giá này là tương đối hấp dẫn nếu so với các quốc gia khác. Do đó, chúng tôi kỳ vọng vào động thái tích cực hơn của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới” - chuyên gia RongViet Security nhận định.

Chỉ số chứng khoán VN-Index thời gian qua. Ảnh chụp màn hình

Đồng quan điểm trên, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT - cho rằng: “Dù việc khối ngoại quay trở lại mua ròng trong một tháng vẫn chưa thể khẳng định dòng vốn ngoại đã quay trở lại thị trường Việt Nam một cách “bền vững” hay chưa. Tuy nhiên, đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy, dòng vốn ngoại luôn chực chờ đổ vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi định giá thị trường về mức hấp dẫn”.

Kiềm chế dịch bệnh và đẩy mạnh tốc độ tiêm vacccine là điều các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh là chìa khoá vàng để tăng trưởng kinh tế, bình ổn thị trường và thu hút dòng tiền quay trở lại vào cuối năm nay.

Chỉ khi dịch bệnh được kiềm chế, các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tạo nên kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm.

“Mặc dù dự đoán tích cực về triển vọng thị trường chung trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng, tỉ lệ sinh lời sẽ có sự phân hóa đáng kể giữa các ngành do những ảnh hưởng không đồng đều từ việc giãn cách đối với các doanh nghiệp. Theo đó, chúng tôi tin rằng, các lĩnh vực đang có định giá hấp dẫn và ít bị ảnh hưởng hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội này sẽ mang lại hiệu quả đầu tư tốt hơn.

Cụ thể, chúng tôi kỳ vọng các công ty có hoạt động xuất khẩu những loại hàng hóa/dịch vụ với tiềm năng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm (mã chứng khoán: NKG, HSG, FPT) và các công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho vận tải quốc tế (mã chứng khoán GMD, PVT) sẽ mang lại hiệu suất vượt. Điều này dựa trên kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như ngành tiêu dùng thiết yếu (mã chứng khoán MSN) dự kiến sẽ hoạt động tốt do nhu cầu đối với thực phẩm đóng gói tăng vọt sau khi diễn ra phong tỏa trong thời gian dài” - chuyên gia RongViet Security nhận định.

Theo một chuyên gia, trong bối cảnh dòng tiền nội suy yếu thì dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài lại đang có xu hướng quay trở lại TTCK Việt Nam trong giai đoạn giảm điểm vừa qua. Điều này cho thấy, sự tin tưởng của khối ngoại đối với triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn, cũng như cho thấy mặt bằng định giá của thị trường đã về mức hấp dẫn hơn.

“Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.260 - 1.370” - chuyên gia RongViet Security nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn