MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp góp phần đưa nông sản vươn xa. Ảnh: Lê Hạnh

Mã số vùng trồng - Chìa khoá đưa nông sản Sơn La vươn xa

Khánh Linh LDO | 28/04/2022 10:44

Sơn La - Những mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp đã giúp các đơn vị tại Sơn La xuất khẩu thuận lợi, góp phần đưa nông sản vươn xa.

Kể từ khi được cấp mã vùng trồng, 2 năm nay, gia đình anh Trần Văn Hồng tại bản Yên Thi, xã Loóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La luôn thực hiện nghiêm ngặt quy trình theo tiêu chuẩn Vietgap.

Sau khi được tập huấn, hướng dẫn, anh Hồng cùng 8 hộ gia đình thành viên tại Hợp tác xã Tiến Đạt đã áp dụng thực hành nông nghiệp trên 38ha cây ăn quả, ghi chép nhật ký canh tác để phục vụ truy xuất nguồn gốc.

Anh Hồng cho biết: "Với các sản phẩm đã được xây dựng mã số vùng trồng và sản xuất theo quy trình Vietgap thì giá trị tăng gấp 2 - 3 lần so với bình thường. Ví dụ, xoài bình thường khoảng 5 nghìn đồng/kg nhưng đạt tiêu chuẩn giá lên tới 15- 20 nghìn đồng/kg".

 Các hộ dân trồng xoài ở Sơn La luôn thực hiện nghiêm ngặt quy trình theo tiêu chuẩn Vietgap.

Trao đổi với PV, ông Vũ Đăng Kế - Phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: "Hiện nay, muốn xuất rau quả tươi sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và cả Trung Quốc phải được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số mới được phép xuất khẩu.

Theo ông Kế, hiện đơn vị còn 52ha cây ăn quả chưa được cấp mã vùng trồng.

"HTX đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng để sản phẩm xoài, chuối có thể vươn xa hơn sang thị trường các nước" - ông Kế cho biết. 

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021 huyện Sông Mã chủ động giới thiệu sản phẩm “Nhãn Sông Mã” đến với người tiêu dùng trong nước và ngoài nước bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông, kênh mạng xã hội.

Đồng thời, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương tỉnh Sơn La, huyện này kết nối với các đơn vị khảo sát liên kết xuất khẩu sản phẩm nhãn sang các thị trường EU, Vương Quốc Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc... 

Nhờ đó, gần 1,5 tấn “Nhãn Sông Mã, Sơn La - Việt Nam” đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hà Lan. Số lượng không nhiều nhưng đã góp phần nâng sản phẩm nông nghiệp trong toàn tỉnh xuất khẩu được vào thị trường EU lên 4 sản phẩm, gồm: Nhãn, cà phê, xoài, chanh leo.

 Nhiều diện tích chuối được thu mua phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, hiện toàn tỉnh này có 241 mã số vùng trồng cây ăn quả được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp, với diện tích trên 3.800 ha để phục vụ xuất khẩu.

Trước những yêu cầu ngày càng chặt chẽ về quản lý chất lượng nông sản, mới đây, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương lập danh sách vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số có nhu cầu xuất khẩu trong niên vụ hàng năm để thực hiện kiểm tra, giám sát, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tại các mã số trồng phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, rà soát những cơ sở sản xuất không đảm bảo theo quy định sẽ bị thu hồi hoặc bị hủy mã số do không đáp ứng tiêu chuẩn, tránh việc lợi dụng mã ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, sản phẩm nông sản địa phương.

Mã số vùng trồng (mã số đơn vị sản xuất – Production Unit Code (PUC)) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản.

Mã số vùng trồng được cấp cho vùng trồng nông sản có sự kết hợp các ký tự và mã số như sau: Mã quốc gia; mã tỉnh, thành phố; mã quận, huyện; mã xã, phường và số thứ tự theo danh sách mã do Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt và cấp. 

Mã số vùng trồng là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn