MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán Việt Nam có biến động tương quan chặt chẽ với diễn biến mặt bằng lãi suất. Ảnh: Gia Miêu

Mặc lãi suất giảm, chứng khoán vẫn khó bứt phá trong quý II

Đức Mạnh LDO | 04/04/2023 08:44

Giới chuyên gia không cho rằng thị trường chứng khoán có cơ hội bứt phá mạnh mẽ ngay trong quý II khi các yếu tố rủi ro đang chiếm ưu thế.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có biến động tương quan chặt chẽ với diễn biến mặt bằng lãi suất. Minh chứng có thể quan sát thấy từ biến động P/E của chỉ số VN-Index và mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân của 4 ngân hàng quốc doanh.

Trong đó, mối tương quan thể hiện rõ trong 2 giai đoạn mặt bằng lãi suất có biến động mạnh là giai đoạn 2008 - 2013 và 2020 - 2022. Riêng giai đoạn 2014 - 2019, mặt bằng lãi suất khá ổn định nên mức độ tác động lên chứng khoán là không quá lớn.

Tương quan lãi suất và P/E chỉ số chứng khoán VN-Index. Ảnh: KBSV 

Xu hướng hạ lãi suất sẽ tiếp diễn cùng áp lực lạm phát, tỷ giá và thanh khoản hệ thống ngân hàng đã hạ nhiệt, kết hợp với các chính sách điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ là yếu tố hỗ trợ chính giúp định giá chỉ số VN-Index (theo P/E) được cải thiện từ nay đến cuối năm.

Xét riêng trong quý II, nhóm chuyên gia từ Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng xu hướng hạ lãi suất trong nền kinh tế và các tín hiệu tích cực hơn từ chính sách điều hành của FED sẽ là yếu tố chính hỗ trợ xu hướng thị trường. Ở chiều ngược lại, áp lực khiến thị trường điều chỉnh là các thông tin liên quan đến thị trường trái phiếu và nguy cơ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng toàn cầu.

"Chúng tôi cho rằng cả hai yếu tố này sẽ căng thẳng nhất vào quý II và quý III năm nay. Khi đó, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong nước rất lớn. Đỉnh lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương sẽ rơi vào cuối quý II trước khi có thể giảm dần từ quý III", chuyên gia nhận định.

Với cơ sở trên, KBSV không cho rằng thị trường chứng khoán có cơ hội bứt phá mạnh mẽ ngay trong quý II khi các yếu tố rủi ro đang có phần chiếm ưu thế. Các nhịp tăng giảm đan xen sẽ xuất hiện với xu hướng chung là đi ngang xuyên suốt cả quý.

Trong tương quan so sánh về mặt định giá với các thị trường chứng khoán trong khu vực, thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn tương đối với P/E thấp. Ảnh: KBSV 

Dự báo triển vọng thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, KBSV hạ nhẹ dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HOSE xuống mức 5%. Đồng thời nâng mức P/E phù hợp của thị trường chứng khoán lên mức 14,3 lần.

Chuyên gia đánh giá: "Điều này phản ánh kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ giảm nhanh hơn so với mức dự báo đưa ra thời điểm đầu năm trước việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành và chính sách ôn hoà hơn từ FED. Mức điểm mục tiêu của VN-Index vào cuối năm không đổi ở 1.236 điểm".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn