MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty An ninh mạng Viettel vừa tham gia liên minh ngăn chặn tấn công an ninh mạng toàn cầu (APWG). Ảnh: Diệu Linh.

Make in Vietnam thúc đẩy hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng

Thế Lâm LDO | 23/12/2020 12:57

Dù chưa được công chúng rộng rãi biết tới nhiều như lĩnh vực thiết bị đầu cuối, song hệ sinh thái các sản phẩm, giải pháp an toàn, an ninh mạng được thúc đẩy bởi Make in Vietnam đã có bước tiến không ngừng.

Tỉ lệ nội địa hóa, làm chủ liên tục gia tăng

Make in Vietnam trong ngành an toàn, an ninh mạng thể hiện rõ nhất qua việc sáng tạo, sản xuất và nội địa hóa hệ sinh thái của ngành này. Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), vào năm 2015 tỉ lệ sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa mới chỉ đạt 5%. Đến năm 2019, tỉ lệ này tăng lên 55%. Tuy nhiên sang năm 2020, chỉ trong vòng một năm tỉ lệ này đã được thúc đẩy tăng lên 91%.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Và theo dự kiến đến đầu năm 2021, Việt Nam sẽ làm chủ 100%.

Khái niệm nội địa hóa có tính chất thay thế dần từng phần. Tuy nhiên, với khái niệm làm chủ công nghệ, cho thấy mức độ thay thế toàn phần và toàn diện hơn. Đó là thay thế hoàn toàn cho những sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn an ninh mạng vốn trước đây phải phụ thuộc các nhà cung cấp nước ngoài chứ không chỉ từng phần với một số những linh kiện, bộ phận hay một phần dịch vụ được chuyển giao, thuê mướn từ nước ngoài.

Làm chủ công nghệ, dần vươn ra thị trường nước ngoài

Tại một sự kiện về an toàn, an ninh thông tin, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, an toàn thông tin mạng là yếu tố mang tính điều kiện then chốt và tiên quyết để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số. Mục tiêu phát triển kép được đặt ra là làm chủ công nghệ, giải pháp, sản phẩm an toàn, an ninh mạng trong nước từ đó vươn ra thị trường toàn cầu.

An toàn, an ninh mạng là một trong số ít ngành thuộc lĩnh vực CNTT mà Việt Nam đã làm chủ công nghệ từ nhiều năm về trước, với các phần mềm bảo mật một thời như D2 (hay còn gọi là D32), Bkav, cùng với đội ngũ hacker “mũ trắng” và “mũ đen” khá hùng hậu về sau lần lượt “hoàn lương” tham gia vào các chương trình, làm việc tại các doanh nghiệp về bảo mật tại Việt Nam.

Doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam (Viettel Cyber Security) hội nhập vào liên minh chống tấn công an ninh mạng toàn cầu cùng với các doanh nghiệp bảo mật lớn trên thế giới. Ảnh: Diệu Linh.

Trong khoảng 30 năm trở lại đây, Việt Nam vẫn được ví là “cường quốc” về bảo mật trong khu vực Đông Nam Á, trong đó Bkav là thương hiệu phần mềm an ninh mạng hiếm hoi được thương mại hóa có xuất xứ thuộc một quốc gia Đông Nam Á. Bởi hầu hết các phần mềm diệt virus, an ninh mạng đang chiếm lĩnh thị trường khu vực hiện nay hầu như đều thuộc về các tập đoàn, công ty Âu – Mỹ, hoặc Châu Á.

Gần đây, trong cuộc bình chọn “Chìa khóa vàng” năm 2020 do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức, đã có tới 45 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp được trao danh hiệu trên. Danh sách các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp được bình chọn cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp ngành an toàn, an ninh thông tin Việt Nam, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa với cảm hứng từ chiến lược Make in Vietnam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn