MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiếp tục giám sát chặt việc công bố báo cáo tài chính trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ: Đ.T

Mạnh tay với chiêu trò “xào nấu”, làm đẹp báo cáo tài chính

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 07/04/2022 10:43

Theo đại diện Bộ Tài chính, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục yêu cầu giám sát chặt vấn đề báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp. Nhưng cùng với sự cố gắng của cơ quan chức năng, vai trò của các doanh nghiệp, của đơn vị kiểm toán cũng là một yếu tố quan trọng, đó là việc ý thức được trách nhiệm công bố thông tin trung thực, góp phần làm lành mạnh, minh bạch cho thị trường. 

Bị phạt vì sai phạm báo cáo tài chính

Sau khi Bộ Tài chính có yêu cầu cần siết chặt giám sát hoạt động báo cáo, kiểm toán BCTC doanh nghiệp, cơ quan chức năng liên tục có các thông báo xử phạt liên quan đến vấn đề này. 

Ngày 4.4, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Xây dựng Alvico (quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội). Công ty này bị phạt tổng cộng 180 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn và công bố thông tin sai lệch. 

Cụ thể, công ty này đã công bố thông tin sai lệch đối với số liệu các chỉ tiêu Dự phòng các khoản phải thu khó đòi, Chi phí quản lý doanh nghiệp và Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại BCTC năm 2019. Cụ thể, tại BCTC năm 2019, công ty công bố thông tin số liệu các chỉ tiêu Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi với giá trị âm 2,1 tỉ đồng, Chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 3,4 tỉ đồng và Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 3,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán ghi nhận công ty chưa trích lập dự phòng phải thu khó đòi với tổng số dự phòng cần trích lập hơn 4,1 tỉ đồng. Nếu công ty trích lập khoản dự phòng phải thu khó đòi nêu trên, chỉ tiêu “Chi phí quản lý doanh nghiệp” sẽ tăng hơn 4,1 tỉ đồng và dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 của Công ty chuyển từ lãi thành lỗ.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, một số doanh nghiệp cố tình “lập báo cáo đẹp” để thực hiện các đợt phát hành thêm các cổ phiếu từ doanh nghiệp và thu được lợi ích cao hơn từ các đợt bán cổ phần, cổ phiếu. Việc làm này là vi phạm pháp luật và sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng có các biện pháp xử phạt. Thậm chí có thể cấm doanh nghiệp này hoạt động giao dịch trên thị trường tài chính, chứng khoán.

Ngoài ra là do yếu tố chủ quan bởi những người lập báo cáo không làm tròn những trách nhiệm của người làm BCTC, trong quá trình hoạt động vấn đề hoạch toán doanh nghiệp chưa đầy đủ. Nhưng do việc thúc ép của chủ doanh nghiệp và của cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp phải có báo cáo để nộp, nếu không thì bị phạt… dẫn đến nhiều doanh nghiệp lấy các số liệu dự tính ở những thời kỳ nhất định.

Trách nhiệm của doanh nghiệp, kiểm toán

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết, có những trường hợp BCTC của những doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp có lợi ích công chúng đã được kiểm toán độc lập chấp thuận toàn phần nhưng vẫn xảy ra sai sót. Những sai sót đó tập trung vào các nội dung ghi nhận doanh thu, ghi nhận giá vốn, đánh giá về các khoản trích lập dự phòng rủi ro, hoặc những khoản phải thu trong ngắn hạn, dài hạn, khoản phải trả...

Đồng thời, kiểm toán cũng có thể gặp những sai sót trong quá trình kiểm toán BCTC như: Chưa thu thập được những bằng chứng, thông tin để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần, bản thân doanh nghiệp cũng có trường hợp không báo hết những thông tin những người, đối tác liên quan trong quá trình kinh doanh.

"Theo thống kê, đơn vị bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến năm 2020 là 38 trường hợp; năm 2021 là 27 trường hợp. Những doanh nghiệp bị kiểm toán từ chối sẽ bị huỷ bỏ niêm yết bắt buộc; còn những doanh nghiệp có những yếu tố loại trừ, tất nhiên, sẽ ảnh hưởng đến đánh giá, quyết định của nhà đầu tư, uy tín của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng" - ông Nguyễn Đức Chi nói. 

Nói về những nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm trong BCTC, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, đầu tiên xuất phát từ bản thân doanh nghiệp, doanh nghiệp đã cố tình để thực hiện sai phạm ngay từ đầu, quá trình lập BCTC cũng có những sự tinh vi dẫn đến khi kiểm toán viên vào kiểm toán với thời lượng có hạn đã không thể nhận ra. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa từ phía doanh nghiệp đó là năng lực trình độ của cán bộ quản lý tài chính, lãnh đạo doanh nghiệp.

"Đồng thời có nguyên nhân đến từ hoạt động của chính doanh nghiệp kiểm toán độc lập, kiểm toán viên không đủ năng lực để phát hiện sai phạm. Song song với đó là đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán BCTC. Chúng ta đã đưa ra những chế tài trong những trường hợp kiểm toán viên liên quan đến sai phạm BCTC, kể cả vô tình hay cố ý. Nhẹ sẽ là đình chỉ tư cách kiểm toán viên, nặng hơn nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư, có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển sang cơ quan điều tra" - ông Nguyễn Đức Chi cho biết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn