MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa. Ảnh: Gia Miêu

Mạnh tay xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Gia MIêu LDO | 05/01/2021 11:19

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán với việc tăng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân.

Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 29.12.2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành tổng cộng 216 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, giảm 68 vụ so với năm 2019. Số tiền thu được từ xử phạt năm 2020 ước tính xấp xỉ 19,6 tỉ đồng, giảm khoảng 30% so với năm trước. Năm 2020 trên thị trường chứng khoán ghi nhận tổng cộng 6 vụ thao túng giá cổ phiếu, trong đó không có vụ nào bị khởi tố hình sự.

Đặc biệt, trong đó có hai vụ bị xử phạt ở mức rất cao hơn 1 tỉ đồng. Đầu tiên đó chính là vụ thao túng giá cổ phiếu DST của CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (HNX: DST). Ngày 11.9.2020, UBCKNN đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Hoàng Đức Thuận. Theo đó, ông Thuận phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường đối với cổ phiếu của DST với số tiền hơn 3.3 tỷ đồng. Vụ thao túng đáng nói thứ hai thuộc về cổ phiếu CTF của CTCP City Auto (HOSE: CTF). Ngày 29.6.2020, UBCKNN đã phạt tiền 1,2 tỉ đồng đối với CTCP Tập đoàn Tân Thành Đô và phạt tiền 550 triệu đồng đối với ông Ngô Văn Cường vì đã sử dụng 22 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu CTF. Tổng số tiền xử phạt đối với tổ chức và cá nhân trên là 1,75 tỉ đồng.

Theo quan điểm của các nhà đầu tư thì việc xử phạt là giải pháp hiện nay nhưng liệu phạt bao nhiêu thì đủ sức răn đe khi mà khoản lợi ích cá nhân thu được lớn hơn rất nhiều số tiền phạt phải bỏ ra, bởi các hành vi vi phạm đều được phát hiện khá muộn. Và với nghị định vừa mới được Chính phủ ban hành sẽ quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán là 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân.

Riêng hành vi vi phạm sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán và thao túng thị trường chứng khoán thì mức phạt tiền tối đa đối với hành vi này là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định ở trên thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định ở trên để xử phạt.

Ngoài ra, còn có điểm đáng chú ý là đối với quy định về thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam, Nghị định quy định phạt từ 500 - 600 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm. Thứ nhất, chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Thứ hai là chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp, trừ trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp được quy định tại Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Điều 14, khoản 6 Điều 15 Luật Chứng khoán. Thứ ba là chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc đã nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng. Thứ tư là sai phạm khi không thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng theo cam kết bảo lãnh phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn