MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồ hoạ: TKTS

Mặt trái tấm vé qua trạm BOT

THÀNH LONG LDO | 08/09/2017 10:30
Việc người dân tiếp tục phản đối việc trả phí qua trạm số 1 QL5 (Hưng Yên) không chỉ là câu chuyện giá - phí quá cao mà còn là sự vô lý từng tồn tại bao nhiêu năm: Đi đường này để hoàn vốn cho đường… bên cạnh. Phía sau những tấm vé qua trạm BOT liệu có phải là sự minh bạch? PV Lao Động đã đi tìm câu trả lời khi “nội soi” vào những tấm vé ấy.

Vì sao không hạ giá vé QL5

Đầu tiên phải khẳng định trạm thu phí (thu giá) đặt ở QL5 cũ không phải là trạm của dự án BOT mà là “thu để hoàn vốn cho dự án BOT” chạy song song. Đó là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Điều này nghĩa là người dân dù chẳng dùng 1 mét đường cao tốc nào cũng phải hỗ trợ cho nhà đầu tư.

Vì sao có sự vô lý này? Trả lời báo Đất Việt hôm 5.9, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ “đá ngay quả bóng” sang Bộ GTVT, rằng: “Việc thu phí để hoàn vốn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bộ GTVT phải phát ngôn”.

Nghĩa là Tổng cục Đường bộ đang muốn “vô can” trong sự vô lý ai cũng thấy rõ này. Trong lúc chờ Bộ GTVT phát ngôn thì người ta đặt tiếp câu hỏi: “Vì sao giá vé là 40.000 đồng - loại thấp nhất cho xe dưới 9 chỗ?”.

Thực tế, khi chưa có cao tốc, người dân vẫn phải trả tiền qua các trạm để đi trên đường QL5, mức 10.000 đồng/lượt. Khi có quy định về thu phí bảo trì đường bộ thì QL5 không được thu nữa mà lại mọc ra cái trạm thu hộ, ban đầu là mức 45.000/lượt xe dưới 12 chỗ. Tháng 8.2016 giảm 10%, mức thấp nhất còn 40.000 đồng như hiện nay. Thế nhưng cơ sở nào để giảm 10% mà không phải là 20 hay 30%? Bộ chưa trả lời được. Và chuyện thu phí này bao giờ sẽ kết thúc? Bộ cũng không trả lời được nốt.

Trước kiến nghị của người dân về việc giảm phí ở QL5, chủ đầu tư là VADIFI (của Bộ Tài chính) cũng không thể giảm vì “chờ chỉ đạo của cơ quan chức năng, không thể muốn là giảm” - theo cách nói của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

Vô lý! Khi Bộ GTVT muốn đặt trạm ở đâu thì đặt, muốn “hoàn vốn” cho đường bên cạnh (thực tế là giải tỏa áp lực về tài chính cho nhà đầu tư) thoải mái, định vé vô tư thế mà khi cần giảm thì phải trải qua biết bao nhiêu thủ tục để trì hoãn. Vì sao?

Lạ lùng giá vé cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Nhân nói cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, phải khẳng định đây là tuyến đường cao tốc đẹp nhất Việt Nam hiện nay với chiều dài 105km. Vì thế, mức vé thấp nhất cho loại xe dưới 12 chỗ là 160.000 đồng là chấp nhận được, tương đương 1.523 đồng/km. Trong khi đó, tuyến Pháp Vân - Cầu Ghẽ, xấu hơn, tốc độ xe chạy thấp hơn, chất lượng mặt đường kém hơn nhưng giá vé lại… cao hơn.

Hiện nay, xe cá nhân đi từ Hà Nội - Ninh Bình sẽ chạy hai đoạn cao tốc. Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do MPC (Cty CP BOT Pháp Vân - Cầu Ghẽ) làm chủ đầu tư. Đoạn 2 Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC (TCty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam) làm chủ đầu tư.

Kể từ khi trạm thu phí Cầu Giẽ bị phá bỏ do thường xuyên gây ùn tắc thì các xe đi qua sẽ nhận được một “tấm vé chung đôi” của hai chủ đầu tư trên. Chỉ có điều, trong khi tuyến do VEC đầu tư thì đẹp đẽ, thông thoáng lại có giá rẻ hơn đoạn đường do MPC đầu tư.

Cụ thể, toàn tuyến là 115.000 đồng, trong đó VEC thu 70.000 đồng cho 54km (1.296 đồng/km), còn đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ 29km nhưng “ăn” tới 45.000 đồng (1.551 đồng/km).

Nó vô lý ở chỗ, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ là cải tạo mặt đường, còn tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình là làm mới hoàn toàn. Chỉ cải tạo, nhưng đắt hơn làm mới, Bộ GTVT sẽ trả lời thế nào?

Trên thực tế thì sự vô lý này của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã bị Thanh Tra Chính phủ phát hiện và kiến nghị điều chỉnh giá trong kết luận thông báo hồi tháng 8.2017 vừa qua.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc Bộ Giao thông Vận tải xác định tính cấp bách của dự án còn thiếu cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ phương án chỉ định nhà đầu tư và việc không thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục đầu tư dự án BOT theo hướng dẫn tại Nghị định 108/2009 của Chính phủ, dẫn đến thông tin về dự án được công bố chưa thực rộng rãi, minh bạch, kịp thời để các nhà đầu tư có thể tiếp cận thuận tiện, bình đẳng.

Năm 2015, dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ được cấp phép một cách thần tốc. Cụ thể, dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 35 ngày, một kỷ lục chưa từng có trong ngành giao thông.

Chưa hết, Thanh tra cũng đã phát hiện ra những ưu ái đặc biệt đối với dự án này. Cụ thể, quy định của Bộ Tài chính là “việc đặt trạm và thu phí chỉ được thực hiện khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng”. Thế nhưng không hiểu vì sao Bộ GTVT “bắt tay” với nhà đầu tư xin được “thu phí trước”, tức là chưa làm xong đã thu phí.

Với lưu lượng hiện nay, ước tính mỗi ngày trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu khoảng 2 tỉ và như vậy sau 3 năm thu phí, giai đoạn 1 (tổng đầu tư dự toán là 1.900 tỉ) đã hoàn vốn. Và nhà đầu tư này tiếp tục được ưu ái một cách ngạc nhiên khi vừa thu phí vừa làm giai đoạn hai (mở rộng hai bên thành 6 làn xe). Rõ ràng sự thiếu minh bạch của hai dự án QL5 và Pháp Vân - Cầu Giẽ cần có giải pháp kịp thời là giảm ngay giá vé, hoặc ngừng thu vé nếu đã hoàn vốn và chỉ được thu lại khi dự án hoàn thành theo đúng quy định.

Cty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có trụ sở tại số 137C đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội. 3 cổ đông chính là Cty cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng Minh Phát (vốn góp 535,05 tỉ đồng, chiếm 65%), Cienco1 và Cty Phương Thành. Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng Minh Phát thành lập năm 2012, đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch Đầu tư Bắc Ninh. Theo đó, Tổng Giám đốc Cty này là ông Nguyễn Ngọc Tư - sinh năm 1958. Cổ đông sáng lập Minh Phát là ông Nguyễn Mỉnh Quân, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, ông Đồ Ngọc Minh. Cổ đông chinh của Minh Phát là ông Đỗ Ngọc Minh (55%) góp 312,4 tỉ đồng; cổ đông bà Nguyến Thị Cẩm Tú góp 34,08 tỉ (6%) và ông Đỗ Minh Đức - góp 251,52 tỉ (39%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn