MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch tập đoàn FLC. Ảnh: S.T

"Máu liều" của đại gia FLC Trịnh Văn Quyết

Đức Mạnh LDO | 29/03/2022 18:22

Ngoài khối tài sản sở hữu trong những doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết còn góp vốn vào nhiều doanh nghiệp khác.

"Vào đời không mấy suôn sẻ"

Ông Trịnh Văn Quyết sinh ra trong gia đình công chức nghèo tại Vĩnh Phúc. Đại gia này từng kể lại: “Xuất phát điểm vào đời của tôi không mấy suôn sẻ. Tốt nghiệp cấp 3, tôi vào Sài Gòn học và làm nghề sửa chữa đồ điện tử. Hai năm sau kiếm được ít tiền, tôi mới có thể thực hiện giấc mơ học lên tiếp của mình".

Năm 24 tuổi, ông đã hoàn thành xong 2 chương trình học tại Học viện Hành chính Quốc Gia và trường Đại học Luật Hà Nội.

Kinh doanh ngấm trong máu, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, ông Quyết đã mở văn phòng gia sư và kinh doanh điện thoại. Công việc này vừa giúp ông thỏa niềm đam mê kinh doanh vừa có thêm thu nhập nuôi các em ăn học.

Sau khi tốt nghiệp, với số vốn tích góp từ thời sinh viên, ông Quyết khởi nghiệp với nghề luật sư với văn phòng luật SMiC năm 2001 và chuyển thành Công ty Luật TNHH SMiC năm 2008. Đơn vị này chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư và các vấn đề sở hữu trí tuệ doanh nghiệp.

Ông Trịnh Văn Quyết từng là 1 trong 5 luật sư hàng đầu Việt Nam được vinh danh “Luật sư tiêu biểu” vào năm 2012. Ảnh: S.T 

“Khi cơ hội đến thì máu liều trong tôi cũng sôi sục chẳng thua kém ai”

Nhờ tư vấn luật, ông đã quen biết các khách hàng kinh doanh bất động sản lớn tại Hà Nội. Sự nghiệp đất cát cũng bắt đầu từ đó. Ông tích lũy kinh nghiệm tư vấn, dần dần biết rõ các thủ tục, cách làm và nhận thấy nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng.

Xuất phát điểm là một luật sư, chính vì vậy ông Quyết làm gì cũng đi từng bước một. Ông cũng rất nhạy bén và “khi cơ hội đến thì máu liều trong tôi cũng sôi sục chẳng thua kém ai”.

Sau một vài dự án thành công, "máu liều" này đã thúc giục ông Quyết thành lập công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune với số vốn 18 tỉ đồng. Doanh nghiệp chuyển đổi thành Công ty cổ phần FLC 2 năm sau đó. Đây chính là bước ngoặt lớn trong quá trình khởi nghiệp của đại gia Vĩnh Phúc.

FLC đã cho ra đời hàng loạt các hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng - sân golf như FLC Sầm Sơn (Sầm Sơn, Thanh Hóa) hay FLC Quy Nhơn (Quy Nhơn, Bình Định). Ngoài ra, FLC còn đang triển khai nhiều dự án khác ở các phân khúc khác nhau của thị trường bất động sản.

Toà nhà FLC tại Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: S.T

"Máu liều" vẫn ở đó. Từ năm 2014 - 2017, ông Quyết ấp ủ và lên kế hoạch chuẩn bị thủ tục và chính thức nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý xin cấp phép thành lập hãng hàng không Bamboo Airways. Đến ngày 16.1.2019, Bamboo Airways chính thức cất cánh chuyến bay đầu tiên. 

Hãng bay non trẻ này sau hơn 3 tháng vận hành đã lỗ 329 tỉ đồng. Vận sự thay đổi, Bamboo Airways báo lãi trong 2 năm liên tiếp 2019 - 2020 bất chấp COVID-19. Theo báo cáo từ hãng này công bố, lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng 34% so với năm 2019, lên 400 tỉ đồng. Đây được xem là một trong những ''kỳ tích'' của ngành hàng không.

Tính từ khi thành lập đến nay, Bamboo Airways đã tăng vốn 8 lần và có vốn điều lệ lớn thứ 3 ngành hàng không Việt Nam với 18.500 tỉ đồng. Ảnh: Nguyễn Thanh Giáp

Tháng 4.2020, ông Trịnh Văn Quyết xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và chấm dứt tư cách thành viên Hội đồng quản trị công ty FLC FAROS. Trước đó vài tháng, ông cũng thôi chức Tổng giám đốc Bamboo Airways và hiện chỉ còn giữ vai trò Chủ tịch tại hãng hàng không này của FLC. 

Tính đến ngày 29.3, tổng giá trị cổ phiếu mà ông Quyết đang nắm giữ ở các công ty trên sàn chứng khoán là khoảng 4.664 tỉ đồng. Đại gia gốc Vĩnh Phúc không còn trong top 40 người giàu nhất sàn chứng khoán. Tạp chí Forbes cũng chưa ghi nhận tên ông Trịnh Văn Quyết vào danh sách tỉ phú hiện nay.

Khởi tố bị can, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10.01.2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn