MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp đưa sâm Ngọc Linh ra bày bán tại hội chợ. Ảnh: Thanh Tuấn

Máy móc hiện đại giúp phân biệt sâm Ngọc Linh giả, thật

THANH TUẤN LDO | 24/10/2023 15:22

Thời gian qua, tại “thủ phủ” sâm Ngọc Linh ở huyện miền núi Tu Mơ Rông, thương lái trà trộn các giống sâm giả, củ tam thất có hình dạng giống như sâm Ngọc Linh hoặc sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc làm xáo trộn thị trường.

Ngày 24.10, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay, hệ thống máy móc, thiết bị kiểm định hoạt chất sâm Ngọc Linh đã vận hành đầy đủ, đảm bảo phân biệt được hàm lượng, hoạt chất trong sâm, giúp người dân cũng như doanh nghiệp biết được sâm thật, sâm giả kém chất lượng.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum khuyến cáo, các đơn vị, tổ chức, cá nhân khi sản xuất giống, sâm Ngọc Linh củ và mua bán các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh nên đến liên hệ hay gửi mẫu đến Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ tại 16A Ngô Quyền, thành phố Kon Tum để phân tích, kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh. Qua đó, kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, giả mạo sâm Ngọc Linh và xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Một góc vườn sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Thanh Tuấn

Trước đó, UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định chi nhiều tỉ đồng để đầu tư và đưa vào ứng dụng hệ thống kiểm định sâm Ngọc Linh, gồm: hệ thống thiết bị phục vụ tách chiết, nhân bản, kiểm tra ADN (có 25 thiết bị chủ yếu) và hệ thống thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học saponin sâm Ngọc Linh (với 11 thiết bị chủ yếu).

Hiện nay, cả hai hệ thống này đã được bàn giao cho Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ quản lý, vận hành. Trung tâm cũng đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp và Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đào tạo 4 cán bộ về vận hành thiết bị, chuyển giao quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định ADN sâm Ngọc Linh và hàm lượng saponin trong sâm Ngọc Linh.

Trung tâm phối hợp với hai doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh, được công nhận vườn sâm gốc, là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum để lấy mẫu sâm phân tích, xây dựng bộ chỉ thị chuẩn, làm cơ sở phân biệt với các loại sâm khác.

Thời gian qua, tại “thủ phủ” sâm Ngọc Linh ở huyện miền núi Tu Mơ Rông, thương lái trà trộn các giống sâm giả, củ tam thất có hình dạng giống như sâm Ngọc Linh hoặc sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc làm xáo trộn thị trường, nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn gene quý.

Một số đối tượng rao bán sâm Ngọc Linh giả trên mạng với giá cao ngất ngưởng, sâm không rõ nguồn gốc, chất lượng, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín sâm Ngọc Linh thật.

Dù lực lượng Quản lý thị trường, cơ quan Công an… tăng cường đẩy đuổi, xử lý các thương lái có dấu hiệu mua bán sâm giả, tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến phức tạp. UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu điều tra, khởi tố đối với các vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nhằm tăng tính răn đe, bảo vệ hình ảnh “quốc bảo”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn