MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mía đường 2016-2017, diện tích trồng mía thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, đường vẫn "ế" 

Kh.V LDO | 28/09/2017 06:15
Chiều 27.9, tại tỉnh Thanh Hóa, Bộ NN&PTNT tổng kết sản xuất niên vụ mía đường 2016-2017. Tham dự hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các địa phương có nhà máy đường trên cả nước đã dóng góp ý kiến nhằm tái cơ cấu ngành mía đường Việt Nam.  

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2016-2017, diện tích mía đạt khoảng 219 nghìn ha, thấp nhất trong các năm tính từ năm 2010 đến nay. Nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở các tỉnh phía Bắc, khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Năng suất mía đạt 62,6 tấn/ha, mặc dù có tăng nhưng ở vẫn mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Chữ đường bình quân cả nước ở mức thấp đạt 9,72 chữ đường dẫn đến sản lượng đường thấp hơn so với niên vụ 2015-2016.

Giá mía trong niên vụ 2016-2017 tiếp tục duy trì ở mức ổn định, có lợi cho người trồng mía. Tuy nhiên, giá đường biến động bất thường, có thời điểm xuống thấp do tác động của đường nhập lậu khiến các thành viên của Hiệp hội và thương nhân kinh doanh trong ngành mía đường gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 15 tháng 8, lượng đường tồn kho tại các nhà máy khoảng 555 nghìn tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 350 nghìn tấn….  

Nhận định về quan hệ cung cầu đường niên vụ 2017-2018, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương cho biết, tình hình cung cầu mặt hàng đường hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào 2 nguồn sản xuất và nhập khẩu. Dự kiến, năm 2017 tổng nguồn cung đường cả nước khoảng 1,7 triệu tấn, trong đó sản xuất được khoảng 1,3 triệu tấn, tồn kho đầu năm hơn 280 nghìn tấn và nhập khẩu 119 nghìn tấn.

Thách thức lớn của ngành mía đường trong năm 2018 ngoài việc đối mặt với những bất lợi do biến đổi khí hậu mang lại, ngành còn phải đương đầu với sự cạnh tranh của đường ngoại nhập khi chúng ta thực hiện các cam kết về thương mại do hạn ngạch thuế quan sẽ được xóa bỏ. Ông Hoàng Tuấn Anh đề xuất: Để ngành mía đường phát triển trước tác động của hội nhập Bộ nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các nhà máy đường cải thiện trữ lượng mía để phát triển năng suất và giảm giá thành sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm đường Việt Nam.

Đồng thời nhà máy đường cần chủ động giảm giá thành thông qua chính sách về giá bán, tạo lập kênh phân phối riêng qua đó kiểm soát và bình ổn giá đường trong nước. Bên cạnh đó cần cải tiến năng suất mía, chủ động áp dụng khoa học công nghệ giúp giảm giá thành đường.     

Tổng hợp báo cáo của 41 nhà máy đường trên cả nước, vụ sản xuất mía đường 2017-2018, tổng diện tích các nhà máy ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm là 248 nghìn 930 ha, tăng hơn 30 nghìn ha so với niên vụ trước.

Theo kế hoạch sản xuất của các nhà máy, sản lượng mía ép niên vụ 2017-2018 khoảng 15 triệu tấn; sản lượng đường đạt 1,42 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 600 nghìn tấn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn