MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Miền Bắc lo thiếu điện cục bộ: Tiết kiệm điện là giải pháp hàng đầu

Cường Ngô LDO | 02/04/2023 14:08

Hệ thống điện quốc gia sẽ cơ bản đáp ứng đủ điện. Tuy nhiên, miền Bắc lại tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện cục bộ từ tháng 5 đến tháng 7. Để đối phó với thách thức về an ninh cung cấp điện và an ninh năng lượng nói chung, Bộ Công Thương cho rằng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

Miền Bắc lo thiếu điện cục bộ

Báo cáo về tình hình sản xuất và cung ứng điện 2 tháng đầu năm 2023, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện lũy kế 2 tháng đầu năm 2023 đạt 38,902 tỉ kWh, thấp hơn 2,8% so với cùng kỳ năm, đạt 13,7% so với kế hoạch năm 2023.

Mặc dù tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 2 tháng đầu năm 2023 cơ bản đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân, song Cục Điều tiết điện lực dự báo, trường hợp nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến trong các ngày thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài - khu vực miền Bắc có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ cao điểm.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về cân đối cung cầu điện đến năm 2025 của ngành điện, để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế với tăng trưởng GDP từ 6,5-7% theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự báo nhu cầu điện tăng trưởng khoảng 9%/năm đối với kịch bản cơ sở.

Còn nếu tính toán ở kịch bản nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng mạnh thì mức tăng trưởng nhu cầu điện năm 2022 là khoảng 11,5% và các năm 2023-2025 bình quân 10,36%/năm.

Tuy nhiên, theo số liệu thực tế của EVN, nhu cầu điện miền Bắc chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Nhưng các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải nên việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng 5, 6, 7 là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm.

Trong khi đó, theo dự báo của một số chuyên gia về biến đổi khí hậu, năm 2023, hiện tượng El Nino sẽ tái xuất và chiếm ưu thế; khả năng miền Bắc phải đối diện khí hậu nắng nóng và hạn hán.

TS Nguyễn Ngọc Huy - giảng viên chương trình thạc sĩ Biến đổi khí hậu tại Trường Đại học Việt-Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết, năm 2017, thủy điện chạy thừa công suất nhờ có đợt La Nina, mưa nhiều. Sang năm 2018 - 2020, lượng mưa có giảm, nhưng công suất thủy điện không bị ảnh hưởng và việc phải lo trữ nước làm thủy điện không chịu nhiều áp lực.

Thế nhưng, năm 2023, lượng mưa sụt giảm 10 - 15%, điều này đồng nghĩa với việc nguồn nước bổ sung cho hồ chứa ít đi. Trong khi đó, nguồn nước dự trữ không chỉ phục vụ để chạy điện mà còn dùng để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp… nên nguy cơ thiếu nước phát điện, đặc biệt tại khu vực thủy điện phía Bắc rất lớn.

"Nếu mực nước các hồ tụt sẽ ảnh hưởng đến công suất phát điện và giảm sản lượng điện. Nguy cơ thiếu điện cục bộ ở phía Bắc trong mùa hè tới đây khá cao do sản lượng điện giảm và nhu cầu về điện gia tăng do nắng nóng" - ông Huy nói.

Tiết kiệm điện là giải pháp hàng đầu để đảm bảo an ninh năng lượng. Ảnh: Nguyễn Phong

Tiết kiệm điện là giải pháp căn cơ

Để đối phó với thách thức về an ninh cung cấp điện, và an ninh năng lượng nói chung, Bộ Công Thương cho rằng, cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Trao đổi với Lao Động, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

"Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Biến đổi khí hậu - COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Thời gian qua, Chính phủ không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan, cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể.

Trong đó có Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, với mục tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 - 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi" - ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn