MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Xuân Hoè - Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam. Ảnh: Đức Mạnh

Miễn phí xếp hạng tín nhiệm để thu hút doanh nghiệp tham gia

Đức Mạnh - Phương Anh (thực hiện) LDO | 26/10/2023 20:01

Thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam đòi hỏi tính minh bạch trong kinh doanh, nhưng phần lớn các doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho điều này. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông  Phạm Xuân Hoè - Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam về vấn đề này.

Thưa ông, vướng mắc lớn nhất trong việc phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam là gì?

- Theo quan điểm của tôi, vướng mắc lớn nhất trong việc phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam là tư duy, nhận thức của các doanh nghiệp. Thị trường đòi hỏi tính minh bạch cao nhưng các doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho chuyện này.

Có công ty đã 16 năm nhưng chưa phát triển nhiều về mảng xếp hạng tín nhiệm. Chủ yếu các doanh nghiệp vẫn chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư nước ngoài là chính. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải cải thiện hơn về tư duy và quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam.

Vậy ông có đề xuất những giải pháp gì để tháo gỡ những vướng mắc đó?

- Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đều đã hội nhập, thị trường cũng đã minh bạch.

Đầu tiên, các doanh nghiệp nên “chơi” theo luật của thị trường, minh bạch tất cả các câu chuyện kinh doanh. Từ đó sẽ tiếp cận được nhiều nguồn vốn với giá rẻ hơn. Không chỉ đối với ngân hàng, điển hình nhất, chúng ta nhìn thấy thị trường trái phiếu Việt Nam vừa qua do câu chuyện không minh bạch và không xếp hạng tín nhiệm. Vì vậy đã dẫn đến những rủi ro lớn và đánh mất lòng tin của thị trường. Do đó cần phải thay đổi tư duy và tiếp cận minh bạch hơn.

Thứ hai, nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp. Đặc biệt là chi phí xếp hạng tín nhiệm hoặc khuyến khích phát triển xếp hạng tín nhiệm.

Thứ ba, các quy định của pháp luật cần có lộ trình để tiến tới phát hành tín phiếu. Vay trái phiếu xanh hay vay các tổ chức quốc tế cần phải được xếp hạng tín nhiệm.

Thứ tư, các công ty xếp hạng tín nhiệm có thể chưa cần thu phí mà hi sinh một giai đoạn nào đó nhất định để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Như vậy, thị trường tín nhiệm mới có thể phát triển.

Thứ năm, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam cần quan tâm đến chỉ số xếp hạng tín nhiệm trong quá trình đầu tư để giảm thiểu rủi ro như vĩ mô, chính sách, thị trường, tài sản, dòng tiền…

Việc nâng cao xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng như thế nào, thưa ông?

- Nâng cao xếp hạng tín nhiệm và minh bạch thông tin hơn rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng tốt hơn. Khi đã đầy đủ các yếu tố thì họ có thể vay thế chấp với lãi suất rẻ hơn. Cộng thêm hạ tầng tài chính tốt, như quỹ đầu tư của nhà nước sẵn sàng cho vay, các quỹ bảo lãnh cũng sẵn sàng bảo lãnh tín dụng để công ty tiếp cận. Khi đã có bảo lãnh và không hủy ngang, đương nhiên các ngân hàng cho vay sẽ hạ lãi suất xuống.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings, khó khăn lớn nhất đối với các đơn vị xếp hạng tín nhiệm là thuyết phục được các nhà đầu tư dùng kết quả xếp hạng tín nhiệm này. Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng tham gia. Do nhiều yếu tố đặc thù (về tình trạng, chiến lược vốn và chi phí) nên doanh nghiệp vẫn chưa thể đo đếm lợi ích giữa việc xếp hạng tín nhiệm sẽ huy động được vốn rẻ hoặc kì hạn dài hơn so với nỗ lực, phí họ bỏ ra.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - cho biết, xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai. Qua đó thúc đẩy các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn và bền vững hơn.

"Nếu các ngân hàng được tổ chức uy tín xếp hạng tín nhiệm cao, sẽ giúp họ có nhiều lợi thế như huy động, hoạt động nghiệp vụ cũng như cho vay, vay vốn với lãi suất thấp từ các tổ chức trong nước và quốc tế. Đối với các doanh nghiệp, nếu như xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ giúp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhanh chóng với ưu đãi cũng như giao dịch với đối tác trong và ngoài nước được ưu đãi về giá cả, dịch vụ" - ông Hùng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn