MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thực phẩm tại các chợ đầu mối ở TPHCM được kiểm tra an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Lê Chân

Minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng

NGỌC LÊ - THANH CHÂN LDO | 19/10/2022 09:00

Chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm... là một trong những nơi cung cấp thực phẩm từ người nông dân đến tay người tiêu dùng. Việc đảm bảo chất lượng, xuất xứ thực phẩm trong chuỗi cung ứng là điều quan trọng để mang thực phẩm chất lượng, nâng cao sức khỏe người dân. Tuy nhiên, đến nay công tác đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn gặp khó và người dân vẫn chưa thực sự có được thực phẩm sạch để dùng.

Kiểm tra an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã có những hành vi gian dối khi đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng nhưng “đội lốt” nhãn mác VietGAP đưa vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng. Điều này không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, việc kinh doanh của các siêu thị mà còn ảnh hưởng đến những nhà vườn làm VietGAP chân chính.

“Tôi thấy có một số vấn đề liên quan đến hàng hóa ở chợ như hàng Trung quốc thường có nhãn mác, mặc dù còn sơ sài trong khi hàng Việt Nam lại không có. Còn chứng nhận VietGAP chỉ cấp 1 lần và dùng mãi. Tôi kiến nghị tập trung quá trình lấy mẫu, sớm ban hành áp dụng các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh, vệ sinh. Đồng thời, quy định về tiêu chuẩn phải gắn với thị trường thực tế” - TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho hay. 

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, ngoài việc kiểm tra hồ sơ chứng từ nguồn gốc sản phẩm, Ban Quản lý và cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuỗi đã lấy mẫu các sản phẩm tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” gửi kiểm tra an toàn thực phẩm.

Tổng số mẫu kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm là 2.140 mẫu. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, không phát hiện vi phạm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm là 2.126 mẫu và 14 mẫu vi phạm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết: “Thực trạng sản xuất kinh doanh hiện còn manh mún. Từ sản xuất cho đến kinh doanh, phân phối còn khó khăn. Nhà nước cùng các đơn vị có liên quan cũng tăng cường phối hợp trong công tác thanh kiểm tra. Cái cần làm hiện nay là thay đổi nhận thức của người dân, để người dân ủng hộ nỗ lực đảm bảo an toàn thực phẩm của các cấp".

Hiện thành phố đang siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm ở nhiều khâu như chợ, siêu thị, bếp ăn tập thể, nhà hàng khách sạn. Dựa vào quy định pháp luật như quy định về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ... thời gian tới Ban An toàn thực phẩm sẽ làm nghiêm hơn nữa để hạn chế thực phẩm kém chất lượng từ các tỉnh đưa về, những sản phẩm không đạt chất lượng phải xử lý, trả về.

Giấy chứng nhận không phải là giấy thông hành

Tại hội nghị "Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng" diễn ra ngày 18.10 ở TPHCM, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, tư duy mua - bán, tiền trao cháo múc hiện nay trong nông nghiệp cần chuyển sang tư duy hợp tác. Đặc biệt là cần thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, để sản phẩm đảm bảo chất lượng. Doanh nghiệp và nông dân cũng nên hợp tác bằng tư duy tạo ra chuỗi giá trị chung thay vì chỉ mua đứt bán đoạn.

“An toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội và của từng người. Tất cả phải cùng chung tay giúp xã hội thay đổi, giúp nông dân thay đổi cách sản xuất” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hoàn thiện dần những quy định, chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc, bắt buộc ở trong diện rộng chưa được thì bắt buộc trong diện hẹp. Đặc trưng của ngành sản xuất nông nghiệp là tạo ra nông sản tác động tới sức khoẻ của người dân, thậm chí cả một thế hệ. Do đó, phải khép dần, để tất cả giấy chứng nhận thực sự là giấy chứng nhận, là một tài sản giá trị, một bảo chứng để người nông dân hãnh diện, chứ không phải là giấy thông hành.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp -  Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong khi thế giới đang đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm bị gián đoạn thì Việt Nam vẫn đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm cho người dân và có dư để xuất khẩu.

Trong đó, chuỗi thực phẩm tại Việt Nam đã từng bước được cải thiện về chất lượng, an toàn, minh bạch. Tuy nhiên, quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch. Tỉ lệ vi phạm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm giảm nhưng còn ở mức cao hơn so với các quốc gia phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn