MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Minh bạch thông tin - thách thức với thị trường bảo hiểm năm 2023

TRÍ MINH LDO | 23/01/2023 10:19
Theo giới chuyên gia, vấn đề minh bạch thông tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ là một trong những thách thức cần giải quyết trong năm 2023.

Thị trường tiếp tục phát triển

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2022, thị trường bảo hiểm (TTBH) vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

Toàn thị trường có 78 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH). Trong đó có 31 DNBH phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài.

Tổng tài sản của TTBH ước đạt 811.312 tỉ đồng, tăng 14,51% so với cùng kỳ năm trước; Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 656.423 tỉ đồng, tăng 12,56% so với cùng kỳ năm trước; Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 162.814 tỉ đồng, tăng 3,83% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt ước đạt 251.306 tỉ đồng, tăng 15,09% so với cùng kỳ năm trước; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước ước khoảng 64.018 tỉ đồng, tăng 23,29% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, ngày 16.6.2022, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 với 7 Chương, 157 Điều. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực từ đầu năm 2023 được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị TTBH phát triển an toàn, ổn định và bền vững.

Ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay, luật đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp, cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.

3 thách thức lớn cần giải quyết 

Bước sang năm 2023, theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, sẽ có những thách thức chính mà TTBH cần giải quyết trong thời gian tới. Những thách thức này sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu và hiệu quả sinh lợi của các DNBH.

Thứ nhất, tỉ lệ bồi thường gia tăng (do các hoạt động kinh tế xã hội đã trở lại bình thường sau dịch bệnh), trong khi nhu cầu bảo hiểm mới tăng chậm lại (do kinh tế dự báo khó khăn hơn) và hoạt động đầu tư suy giảm (do thị trường chứng khoán giảm mạnh...).

Thứ hai, theo quy định mới của pháp luật, từ năm 2023, các DNBH có quyền tự quyết lớn hơn với các nguồn vốn đầu tư của mình. Tuy nhiên, quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của DNBH với từng loại tài sản tài chính chưa được thông qua trong khi thời gian còn lại là không nhiều.

Thứ ba, vấn đề minh bạch thông tin trên TTBH nhân thọ. Theo đó, tình trạng tranh chấp khi xử lý bồi thường gây ảnh hưởng đến tâm lý người tham gia bảo hiểm cũng như cản trở sự phát triển của thị trường.

Một số vấn đề phát sinh từ việc thực hiện bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng chưa hợp lý (bắt buộc mua bảo hiểm với các sản phẩm tín dụng mà chưa giải thích rõ với khách hàng).

Các đại lý bảo hiểm tư vấn chưa đầy đủ, hợp đồng bảo hiểm đôi khi khó hiểu hoặc dài dòng, điều kiện bảo hiểm không rõ ràng... khiến người dân thiếu niềm tin vào TTBH.

Trong báo cáo “Triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam” của AM Best – Công ty toàn cầu chuyên xếp hạng tín nhiệm DNBH của Mỹ, TTBH phi nhân thọ của Việt Nam được đánh giá là có triển vọng ổn định. AM Best dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ được duy trì, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế theo hướng phục hồi bền vững sau đại dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn