MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo chuyên gia kinh tế, ngoài những giải pháp như giãn thuế, giảm thuế, nên thực hiện tiếp các giải pháp quan trọng như hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: Cường Ngô

Mở cửa kinh tế trở lại, Chính phủ nên bảo lãnh vay vốn để cứu doanh nghiệp

Cường Ngô LDO | 13/09/2021 19:39

Đối với những doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi mở cửa kinh tế trở lại, ngoài những giải pháp như giãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, tiền điện nước, nên thực hiện tiếp các giải pháp quan trọng khác như hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

Chính phủ nên bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn

Từ những hỗ trợ rất cấp thiết của Chính phủ với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong thời gian vừa qua, cùng với việc nhiều tỉnh thành phố triển khai “phủ” vaccine cho người dân, tiến tới kiểm soát dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị cho viễn cảnh “mở cửa” lại nền kinh tế, nhưng họ cần liều "vaccine" để phục hồi sản xuất.

Trao đổi với Lao Động, bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết, việc mở cửa trở lại nền kinh tế là cần thiết, nhưng mở thế nào để người dân được an toàn và doanh nghiệp hoạt động ổn định là điều cần phải tính toán kỹ lưỡng. Nới lỏng nhưng vẫn phải an toàn, linh hoạt, thích ứng hơn với điều kiện mới.

Đối với những doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, theo bà Lan, khi mở cửa lại các hoạt động kinh tế, Chính phủ nên có những chính sách "bù đắp". Bởi trong đại dịch, mặc dù phải đóng cửa nhà máy, nhưng họ vẫn duy trì một phần lương để giữ chân người lao động, vẫn phải trả các chi phí cố định.

"Bù đắp bằng việc giảm thuế, giãn thuế không chỉ từ giờ đến cuối năm 2021 mà sang nửa đầu năm 2022. Hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ phục hồi, phát triển trong điều kiện mới, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động" - bà Lan nói.

Theo vị chuyên gia kinh tế, ngoài những giải pháp như giãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, tiền điện nước (Chính phủ đã làm-PV) thì nên thực hiện tiếp các giải pháp quan trọng như hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

"Đối với những doanh nghiệp không còn nguồn lực, thì khi tái khởi động sản xuất kinh doanh, họ rất khó để tiếp cận vốn từ ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại vì không đáp ứng được các điều kiện vay vốn từ ngân hàng. 

Chính phủ cũng không thể dùng "mệnh lệnh" hành chính, yêu cầu ngân hàng phải làm thế này thế kia hỗ trợ doanh nghiệp được. Tôi cho rằng, Chính phủ nên chi ra một khoản bảo lãnh vay cho doanh nghiệp để họ có nguồn lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh" - bà Lan cho hay.

Cũng theo bà Lan, đối với những dự án đầu tư công chưa quá cần thiết thì nên xem xét tạm ngưng một thời gian, dùng tiền đó để "cứu" doanh nghiệp, giúp họ phục hồi. Khi doanh nghiệp đã hồi phục khả năng sản xuất, họ sẽ bù đắp lại cho Chính phủ. Từ đó, Chính phủ có thể khôi phục lại các dự án đầu tư công.

Không nên kỳ vọng quá nhiều vào tăng trưởng kinh tế

Khi được hỏi dự báo về tăng trưởng cuối năm nay, bà Phạm Chi Lan cho rằng, không nên kỳ vọng quá nhiều vào tăng trưởng cao trong năm nay. Bài toán cần giải là mỗi người dân, đặc biệt người nghèo, cần nguồn lực như thế nào để sống; doanh nghiệp khó khăn cần bao tiền để duy trì hoạt động, trả lương cho công nhân, người lao động để tồn tại.

"Tôi cho rằng, khi nền kinh tế mở cửa, người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh đã là quý lắm rồi. Phục hồi ở đây không chỉ có các doanh nghiệp lớn, mà còn là các doanh nghiệp cá thể, hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Ai cũng thấy rõ tầm quan trọng của bộ phận này trong các hoạt động của đời sống, xã hội.

Khi nào Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành trên cả nước - cuộc sống của người dân trở lại bình thường, các ngõ phố kinh doanh trở lại, cuộc sống của người dân tươi vui, sống động thì đó là sự phục hồi" - bà Lan cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn