MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ để xuất khẩu gạo tăng trưởng trở lại. Ảnh minh họa: PV

Mở "cửa sáng" cho xuất khẩu gạo cuối năm, dù dịch COVID-19 còn căng thẳng

Vũ Long LDO | 27/08/2021 17:43

Dù dịch COVID-19 khiến xuất khẩu gạo “khó trăm đường”, nhưng dự báo xuất khẩu gạo trong 4 tháng còn lại của năm 2021 vẫn khởi sắc hơn do nhu cầu tăng.

Không để gạo chất lượng cao bị ép bán giá thấp

Theo các doanh nhân ngành lúa gạo, trái ngược với năm 2020, từ tháng 4.2021 trở lại đây xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn khi nhiều thị trường giảm lượng nhập khẩu gạo do bão hòa vì đã đẩy mạnh nhập khẩu từ năm trước.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy, trong 7 tháng năm 2021, mặc dù giá gạo bình quân tăng khoảng 53,5 USD/tấn (lên mức 540,68 USD/tấn); song xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,5 triệu tấn với giá trị khoảng 1,9 tỉ USD, giảm 12,7% về lượng, và 3,1% về giá trị.

"COVID-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất, hầu như rất ít hợp đồng được triển khai trong bối cảnh hiện nay, cả bên bán và bên mua đều giao dịch cầm chừng" - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long - ông Nguyễn Chánh Trung, chia sẻ.

Ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách xuất khẩu - Tổng công ty Thương mại Hà Nội - cũng cho biết, giá gạo xuất khẩu đã giảm mạnh trên 100 USD/tấn, xuống còn 380-390 USD/tấn (FOB) với gạo 25% tấm, kéo gạo xuất khẩu xuống mức giá thấp nhất trong vòng 1,5 năm trở lại đây. 

Trong khi đó, hiện nay nhiều đối tác nhập khẩu yêu cầu mua hàng chất lượng cao hơn nhưng giá thấp hơn nên nhiều doanh nghiệp khó có thể đáp ứng bởi dịch bệnh COVID-19 đẩy chi phí chế biến lúa gạo tăng cao.

Các doanh nhân xuất khẩu gạo cho rằng, ưu điểm của gạo Việt Nam là luôn xuất khẩu gạo vụ mới tươi ngon, được người tiêu dùng thế giới ưa thích. Tuy nhiên, không thể ép Việt Nam bán gạo có độ tươi ngon bằng giá các loại gạo có phẩm cấp thấp hơn, trong đó có gạo giá rẻ của Ấn Độ.

Theo doanh nhân Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An),  các doanh nghiệp đàm phán xuất khẩu cần cân nhắc về giá, không nên hạ giá để lấy sản lượng, vì như vậy người nông dân phải chịu thiệt và ảnh hưởng không tốt đến việc xác định giá trị thực của hạt gạo Việt Nam.

Xuất khẩu gạo lạc quan hơn trong các tháng cuối năm

Doanh nhân Nguyễn Chánh Trung cũng cho rằng, gạo của Việt Nam với những ưu điểm về tính tươi mới, độ ngon được người tiêu dùng ở các thị trường Đông Nam Á ưa thích, thì việc cạnh tranh về giá với gạo Ấn Độ là một khó khăn lớn, vì gạo Ấn Độ có giá rất rẻ và là nguồn cung lớn.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng, thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia và Malaysia đang đối mặt với tình trạng dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất nghiêm trọng, nên có nhiều dự báo hoạt động xuất khẩu gạo sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, các doanh nhân cũng cho rằng, triển vọng xuất khẩu gạo trong 4 tháng còn lại sẽ lạc quan hơn bởi thế giới vẫn có nhu cầu về lương thực khá cao.

Gạo Việt Nam vượt trội về phẩm cấp, được nhiều thị trường ưa chuộng. Ảnh: Nghiêm Anh Tuấn

“Đối với ngành hàng lương thực đặc biệt là lúa gạo, Việt Nam đã có kinh nghiệm xuất khẩu gạo nhiều năm qua và các bạn hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia và Malaysia sẽ vẫn tiếp tục nhập khẩu gạo của Việt Nam cho dù dịch bệnh COVID-19 tại các quốc gia này trầm trọng hơn cả Việt Nam, hơn nữa, nguồn cung gạo từ nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới là Ấn Độ cũng đang bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nặng nề” – ông Nguyễn Chánh Trung khẳng định.

Bên cạnh đó, Cuba là thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo ổn định từ Việt Nam. Trước đây Cuba nhập khẩu gạo theo hợp đồng G2G thì bây giờ họ chuyển sang nhập khẩu thương mại và chú trọng đến chất lượng gạo nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội cho gạo Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang quốc gia này.

"Theo đánh giá của tôi, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, nhưng giá gạo xuất khẩu sẽ không cao như 6 tháng đầu năm” – ông Nguyễn Chánh Trung nhấn mạnh.

Doanh nhân Phạm Thái Bình cũng đề nghị, để hỗ trợ xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh mẽ hơn, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường công tác thông tin thị trường, nắm bắt nhu cầu thị trường sở tại; thường xuyên tổ chức các chương trình giao thương trực tuyến, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tiếp cận các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối nước sở tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn