MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du lịch tại các vườn quýt Hồng ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Ảnh: NK

Mở lối đi mới cho vựa trái cây Đồng bằng sông Cửu Long: Quy hoạch, đầu tư vùng chuyên canh

LỤC TÙNG LDO | 29/03/2022 08:51

Làm gì để cây trái vùng ĐBSCL phát huy hết tiềm năng, lợi thế nhanh chóng hòa vào dòng hội nhập sâu, rộng và chủ động trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và ổn định trước tác động Biến đổi khí hậu toàn cầu - nước biển dâng? Chúng tôi gõ cửa nhiều chuyên gia, với mong muốn mang đến cho mọi người những bước phác thảo cho bước đi trong tương lai.  

GS-TS Võ Tòng Xuân (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ): Thuận thiên - khoa học

Một trong những nguyên nhân sâu xa khiến trái cây ĐBSCL gặp khó trong xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa là do chưa thuyết phục được người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã và an toàn thực phẩm. Để làm được điều này, nguyên tắc đầu tiên là phải tiến hành quy hoạch vùng chuyên canh nguyên liệu. Bởi chỉ khi có quy hoạch vùng nguyên liệu chúng ta sẽ dễ dàng đầu tư hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng so với hiện trạng chỉ tập trung cho cây lúa và nhất là dễ kiểm soát cả đầu ra lẫn đầu vào. Muốn vậy, quy hoạch đó phải đảm bảo tính thực tiễn, chiến lược và bền vững. Nói cách khác là phải nương theo tự nhiên, biến đổi khí hậu toàn cầu và những dự báo liên quan để thực hiện, tức vừa phải đảm bảo yếu tố tôn trọng thiên nhiên, vừa phải khoa học, phát triển.

Cụ thể, tại ĐBSCL căn cứ vào điều kiện đặc thù về địa lý, thổ nhưỡng... có thể quy hoạch thành 3 vùng chuyên canh, gồm: Vùng giáp biên: Đây là vùng, dồi dào nước ngọt nên quy hoạch trồng lúa cao sản. Vùng ven biển, nước mặn, thì nuôi hải sản và lúa đặc sản theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”. Vùng giữa, tổ chức trồng cây ăn trái, vừa né được áp lực ngập do nước đầu nguồn, vừa né được mặn từ biển xâm nhập vào. Sau khi lên liếp trồng cây, bên dưới các mương trữ nước, vừa để tưới vào mùa khô, vừa điều tiết cho vùng lân cận.

Bước quan trọng tiếp theo là phải thực hiện nghiêm quy hoạch. Trong đó, cương quyết không để cách làm tự phát, gieo trồng cực đoan, như: trồng lúa bằng mọi giá, hay trồng trái cây ăn trái bằng mọi giá... làm phá vỡ quy hoạch. Quy hoạch xong, chúng ta cần một chiến lược gồm “nhiều mũi giáp công” để  triển khai thực hiện theo Chiến lược liên kết vùng toàn diện đặt trên nền tảng số hóa các chuỗi giá trị của từng sản phẩm liên kết với các chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu. Các bên liên quan trong chuỗi liên kết này gồm có: nông dân tập thể, các ngành khoa học phù hợp, nông nghiệp, công nghiệp, doanh nghiệp chế biến, lưu thông phân phối và nhà nước các cấp. Đây là cách thực hiện NQ120 của Chính phủ một cách bền vững mà mục đích sau cùng là tạo điều kiện cho nông dân làm giàu nhờ nông sản có giá trị cao và có đầu ra ổn định, có nhiều việc làm cho dân nông thôn.

Có thể nói, trở ngại lớn nhất là sự bảo thủ của người nông dân ĐBSCL vẫn không muốn liên kết nhau, không chịu dồn điền lại để nhà doanh nghiệp thiết kế vùng sản xuất hiện đại theo kỹ thuật chuyên môn. Nông dân luôn muốn giữ gìn những gì ông bà để lại, nhưng như thế cũng là duy trì cái nghèo muôn thuở...

PGS-TS Nguyễn Tri Khiêm (Trưởng khoa Kinh tế - Trường ĐH Nam Cần Thơ): Cần có tổ chức phân tích, dự báo thị trường

Dự báo thị trường, nhất là giá là yếu tố hết sức quan trọng đối với Việt Nam, quốc gia có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu nông sản. Bởi điều này không chỉ truyền tín hiệu thị trường cho nhà nông, nhà doanh nghiệp “ứng biến” trong sản xuất kinh doanh, mà còn cung cấp dữ liệu để cơ quan chức năng điều hành, xử lý khi thị trường có biến động, cũng như hoạch định liên quan đến nông nghiệp nói chung, trái cây nói riêng một cách có cơ sở. Nhất là qua đó tăng cơ hội và giảm rủi ro cho nhà nông. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nhà nông luôn ở thế bất lợi trong chuỗi giá. Cụ thể là khi giá nông sản thị trường tăng lên, họ được chia sẻ rất ít, nhưng khi thị trường có vấn đề, thì gần như nhà nông “lãnh đủ”.

Trên thực tế, nhiều địa phương có thực hiện bản tin thông tin thị trường nông sản, nhưng do nhiều lý do như phương pháp thực hiện... nên phần lớn những con số này mang tính đơn lẻ, không mang tính dự báo, không mang tính đại diện nên độ tin cậy chưa cao. Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp trên thế giới cho thấy, họ hình thành tổ chức này một cách chuyên nghiệp. Họ thu thập, xử lý số liệu rồi đưa ra những dự báo ngắn hạn và dài hạn để mọi người tham khảo và làm thước đo trước khi quyết định trồng, bán một cách bài bản, khoa học. Quan trọng hơn là sau đó cơ quan chức năng tin tưởng ứng dụng kết quả này vào điều hành, chỉ đạo...    

TS Võ Hữu Thoại (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam): Hướng tới nền sản xuất trái cây sạch - đẹp

ĐBSCL có nhiều loại trái cây ngon. Thế nhưng trớ trêu thay, ngay cả khi giá trái cây nội địa rớt thảm hại, trong khi giá trái cây ngoại nhập vẫn ở mức cao nhưng vẫn được người tiêu dùng đón nhận. Điều này đã và đang sẽ tiếp tục xảy ra nếu chúng ta không có những giải pháp cải thiện hợp lý. Trước hết, phải thừa nhận vẫn có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có tâm lý sính ngoại, lâu dần thành thói quen cho dù phải trả giá cao.

Tâm lý sính hàng ngoại không ngẫu nhiên mà có, nó đã được hình thành từ nhiều năm, mà nguyên nhân chính là do trái cây nội chưa được người sản xuất và nhà thương mại chăm sóc về chất lượng, hình thức trưng bày, mẫu mã.

Từ đó, cho thấy, để trái cây nội địa được ưa chuộng tại thị trường trong nước cũng như vươn xa ra thị trường quốc tế,  nhà vườn cần thay đổi tư duy theo hướng sản xuất trái cây sạch - đẹp. Cụ thể là có kích cỡ đồng đều, chất lượng ổn định và an toàn thực phẩm. Để được điều này, thì khâu giống là rất quan trọng, kế đến khâu canh tác theo quy trình sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ. Bên cạnh nhà kinh doanh thương mại trái cây cũng cần cải tiến cách thức bảo quản, phân loại và đóng gói để tăng thị hiếu và kích thích người tiêu dùng. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về giá trị dinh dưỡng, lợi ích của tiêu dùng trái cây nội để người tiêu dùng tăng nhu cầu trái cây trong nước.

ThS Nguyễn Phước Tuyên (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Sở NNPTNT Đồng Tháp): Bán phân, thuốc theo toa

Một bộ phận người tiêu dùng ngại trái cây nội là do những ám ảnh về dư lượng phân, thuốc BVTV. Các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã liên tục kêu gọi, thậm chí là răn đe, nhưng việc lạm dụng phân, thuốc vẫn tràn lan.  Nguyên nhân là do chúng ta xử lý vấn đề ở phần ngọn.

Kinh nghiệm từ một số quốc gia mà chúng tôi có dịp tham quan, học tập cho thấy, có nhiều cách làm hiệu quả mang tính gốc rễ. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện Việt Nam, chúng tôi nhận thấy cách kiểm soát phân thuốc ngay từ đầu vào là dễ thực hiện,  hiệu quả cao. Nói nôm na là quản lý như lĩnh vực dược dùng cho người: nhà thuốc chỉ bán thuốc theo toa bác sĩ chỉ định. Theo đó, sau khi cán bộ nông nghiệp phụ trách (Tổ hợp tác, Hợp tác xã, khu vực...) chuẩn đoán, xác định cây trong vườn mắc bệnh gì sẽ kê ra toa phân thuốc với đúng thành phần hóa học, tên thương mại và liều lượng, thời gian phun, xịt. Khi cầm toa này đến cửa hàng, nhà nông sẽ được cung cấp đúng lượng thuốc. Khi đó, dù có muốn, nhưng nhà nông cũng không lấy đâu ra phân thuốc để bón thừa. Cửa hàng nào vi phạm thì xử phạt đủ tính răn đe. Kiểm soát tốt đầu vào của phân thuốc, hứa hẹn cây cho trái sạch.

TS Lê Quốc Điền (Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp): Trái sạch sẽ thơm xa

 Sản xuất trái cây sạch không chỉ là mong muốn mà còn là đích đến của nông nghiệp Việt Nam. Bởi điều này không chỉ kết thúc điệp khúc buồn: trồng - chặt, mà còn khai thông cho trái cây ĐBSCL nói riêng, Việt Nam nói chung vươn ra biển lớn và giữ vị thế ngay trên sân nhà. Khi đó, không chỉ nhà nông khá lên vì sản phẩm làm ra bán được giá cao mà còn kéo theo nhiều dịch vụ khác “ăn nên làm ra” thông qua việc tăng mua sắm của lực lượng nhà vườn.

Thực tế và kinh nghiệm từ nhiều quốc gia còn cho thấy, nếu tổ chức sản xuất sạch, mẫu mã đẹp... trái cây còn mang lại nhiều nguồn lợi khác. Điển hình là dịch vụ “2 trong 1”. Sau khi bị vẻ đẹp và chất lượng chinh phục, du khách không chỉ mua trái cây thưởng thức tại chỗ mà còn có mong muốn đi tham quan nhà vườn và mua về làm quà. Thông qua những món quà và câu chuyện nhà vườn ĐBSCL sẽ tiếp tục kết nối du khách mới đến và lưu lại. Hiện Đồng Tháp đang khởi động cho những bước đi đầu tiên trên hành trình này. Bởi dư địa của thị trường trái cây còn rất lớn và sẽ tiếp tục lớn khi trái cây không đơn thuần được sử dụng như thức ăn tráng miệng mà còn là thực phẩm chính, thực phẩm quan trọng cho người ăn kiêng, người ăn vì sức khỏe...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn