MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mỗi một số điện bán ra EVN lỗ 197 đồng

Cường Ngô LDO | 29/03/2023 17:42

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong năm 2023, mỗi kWh điện bán ra EVN lỗ 197 đồng. Tổng số lỗ lũy kế của năm 2022-2023 dự kiến là 99.305 tỉ đồng.

Xác nhận với Lao Động, một đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong năm 2023, mỗi kWh điện bán ra EVN lỗ 197 đồng.

Giá bán lẻ điện bình quân hiện đang được EVN bán ra có mức thấp hơn 10,57% so với giá thành sản xuất kinh doanh điện. Việc EVN bán điện với mức giá lỗ là do các chi phí đầu vào tăng mạnh nhưng chưa được điều chỉnh đầu ra tương ứng để đủ bù đắp. 

Trong khi đó, trong năm 2022, dù thực hiện các giải pháp nhưng lợi nhuận vẫn âm. Với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864 đồng/kWh, mỗi kWh điện bán ra thì phía EVN lỗ khoảng 180 đồng.

Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cho hay, 2022 là năm khó khăn với EVN và các đơn vị thành viên. Dù doanh thu tập đoàn ước đạt 460.000 tỉ đồng, tăng 4,3% so với năm 2021, song do biến động giá nhiên liệu gồm cả than, dầu, khí đã làm cho chi phí tăng rất cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Trong đó, riêng than nhập khẩu tăng 6 lần so với đầu năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với đầu năm nay. Phần giá than tăng thêm khiến chi phí đội lên tới hơn 47.000 tỉ đồng. Chưa kể, năm 2022, giá dầu cũng biến động lớn.

Chuyên gia nhận định, giá điện bán lẻ bình quân 2023 có thể được tăng trong quý II khi các kết quả kiểm toán được làm rõ. Ảnh: Cường Ngô 

Năm 2023, EVN dự báo tiếp tục đối mặt hàng loạt khó khăn khi phải đảm bảo cung ứng đủ điện trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới; cân đối tài chính khó khăn do tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào.

Năm 2023, với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864 đồng/kWh (chưa được xem xét điều chỉnh sau 4 năm), EVN cho rằng - chỉ có nguồn thủy điện có giá thành điện thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân, mang lại lợi nhuận cho EVN, song sản lượng năm 2023 chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 33%.

Các nguồn điện còn lại như nhiệt điện than, tua bin khí, nhiệt điện dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và chiếm tỉ trọng đến 67% về sản lượng. Điều này làm lỗ cho EVN. 

Tổng số lỗ lũy kế của năm 2022-2023 dự kiến là 99.305 tỉ đồng. Việc lỗ này sẽ làm mất vốn nhà nước tại EVN (mất 44,8% vốn nhà nước tại EVN).

Lãnh đạo EVN cho rằng công ty mẹ EVN lỗ do nguyên nhân khách quan, ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá đầu vào của chi phí nhiên liệu, đồng thời EVN trích lập dự phòng cho khoản lỗ của các công ty con.

Do vậy, EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ ngành cho điều chỉnh giá điện trong năm 2023 để có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.

PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, những khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện - sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện. Do vậy, việc tăng giá điện trong năm 2023 là phù hợp.

Tuy nhiên, việc tăng giá điện chưa thể thực hiện ngay trong tháng 4.2023 như đề xuất của một số đơn vị có liên quan; sớm nhất cũng phải trong quý II/2023 hoặc cuối quý III/2023 mới có phương án giá điện bán lẻ mới. Bởi thời gian kiểm toán và rà soát kết quả sẽ mất khá nhiều thời gian.

Ông Đinh Trọng Thịnh tính toán, giá bán lẻ điện năm 2023 có thể tăng lên mức 2.162 đồng/kWh (tăng 15,9%), hoặc lên mức 2.243 đồng/kWh (tăng 20,3%), hoặc có thể tăng lên mức kịch khung nếu tính cả khoản lỗ năm 2022 của EVN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn