MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hợp tác xã mong muốn phía ngân hàng sẽ rút ngắn thời gian và thủ tục cho vay. Ảnh: PHONG NGUYỄN

Mỗi năm cần vay tiền tỉ, hợp tác xã “rối như tơ vò” vì không biết tiếp cận

Đức Mạnh LDO | 22/09/2023 08:25

Do thủ tục khó khăn nên các hợp tác xã từ trước đến nay vẫn không đứng tên vay ngân hàng. Thay vào đó các thành viên chọn cách huy động lẫn nhau hoặc tự đi vay vốn riêng lẻ.

Khó khăn trong tiếp cận vốn

Nằm trong vùng chuyên sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã Nông nghiệp Hồng Xuân (Lục Ngạn, Bắc Giang) mỗi năm cần vay từ 4 - 5 tỉ đồng từ ngân hàng để xây dựng nhà xưởng và xoay vòng sản xuất. Tuy nhiên do điều kiện khó khăn nên từ trước đến nay, hợp tác xã không thể đứng tên vay ngân hàng mà các thành viên sẽ đi vay vốn riêng lẻ.

"Hợp tác xã khó đáp ứng các yêu cầu từ phía ngân hàng như tài sản đảm bảo, phương án sản xuất kinh doanh, lợi nhuận. Về tài sản thế chấp là bất động sản, các hộ trong hợp tác xã thường mua chung đất vườn. Với tài sản này, người nông dân như chúng tôi rất khó trong chuyển đổi sang đất kinh doanh để xây nhà xưởng, do đó không đáp ứng được yêu cầu về tài sản thế chấp" - ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hồng Xuân - chia sẻ với Lao Động.

Theo ông Dũng, trong Luật Hợp tác xã mới, hợp tác xã được huy động vốn từ các thành viên nhưng lại chưa có hướng dẫn về áp dụng theo luật nào hay tự thoả thuận với nhau, lãi suất sẽ chia ra sao?

Cùng gặp phải khó khăn trong tiếp cận vốn như Hợp tác xã Nông nghiệp Hồng Xuân, ông Dương Xuân Hà - Giám đốc Hợp tác xã chè Thắng Lợi (Tân Cương, Thái Nguyên) - cho biết có nhu cầu vay vốn từ ngân hàng. Các thành viên chưa hiểu biết rõ về các thủ tục, đặc biệt liên quan đến tài sản đảm bảo. Hợp tác xã hiện nay phát triển chủ yếu nhờ thành viên huy động vốn lẫn nhau và tự đi vay bên ngoài.

Bà Vũ Thị Lệ Thủy - Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (Cao Phong, Hoà Bình) - cũng phản ánh về thủ tục vay vốn còn rườm rà. Chị mong muốn phía ngân hàng sẽ rút ngắn thời gian và thủ tục cho vay.

Hợp tác xã cần có ưu đãi riêng về lãi suất

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển của khu vực hợp tác xã Cộng hòa Liên bang Đức, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Giám đốc Liên đoàn Hợp tác xã Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) tại Việt Nam - cho biết trong thời kỳ đầu của sự phát triển, các hợp tác xã tại đây đã nhận được một số hỗ trợ từ nhà nước. Hợp tác xã ở Đức được công nhận là một loại hình doanh nghiệp, có đầy đủ tư cách pháp nhân, được phép lựa chọn mô hình trách nhiệm hữu hạn và tự chịu trách nhiệm trước hết bằng chính tài sản của hợp tác xã.

"Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Johnes von Miquel từng có sáng kiến về việc thành lập Kho bạc vào năm 1895 để cung cấp tín dụng cho hoạt động kinh doanh của các hợp tác xã. Kho bạc có thể hiểu là một ngân hàng trung tâm điều hòa vốn cho các hợp tác xã do nhà nước cấp vốn ban đầu. Kho bạc sẽ phải trả lãi 3% cho phần ngân sách được cấp và đó là đơn vị cung cấp tín dụng cho các hợp tác xã tín dụng cũng như các liên hiệp hợp tác xã" - bà Minh trao đổi.

Vào thời điểm đó, nếu ngân hàng trung tâm điều hòa vốn của hợp tác xã phải vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi 5,5%. Sự hỗ trợ về lãi suất từ ngân sách nhà nước rất quan trọng, giúp cho Kho bạc có thể phát triển nhanh chóng, là tiền thân của Ngân hàng trung ương của các hợp tác xã (DZ bank) ngày nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn