MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần thúc đẩy tín dụng xanh để hỗ trợ tăng trưởng và phát triển bền vững. Ảnh: EY

Mỗi ngân hàng cần có chính sách và chiến lược riêng về tín dụng xanh

Đức Mạnh LDO | 10/09/2023 11:12

Các ngân hàng cần xây dựng chính sách và chiến lược cho hoạt động tín dụng xanh gắn với các mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển chung của mình, cũng như chiến lược phát triển chung của quốc gia hướng đến Net Zero.

Còn nhiều khó khăn khi thực hiện cấp tín dụng xanh

Là một trong những ngân hàng sớm nhận ra tầm quan trọng của phát triển bền vững, tính đến ngày 30.6.2023, BIDV đang cấp tín dụng lĩnh vực xanh cho hàng nghìn dự án với dư nợ trên 66 nghìn tỉ đồng (tương đương khoảng gần 2,8 tỉ USD), tăng gần 4% so với đầu năm và chiếm tỉ trọng khoảng 4% trên tổng dư nợ. Theo lộ trình đến năm 2035, BIDV sẽ không còn dư nợ cho vay các dự án nhiệt điện, điện than.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai cấp tín dụng xanh, ngân hàng này gặp phải không ít khó khăn. Ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc Ban Tài trợ dự án Ngân hàng BIDV - cho biết: "Việt Nam chưa có cơ sở, căn cứ cụ thể trong việc xác định và phân loại dự án xanh. Điều này gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Hành lang pháp lý để triển khai quản lý rủi ro môi trường – xã hội, tín dụng xanh đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Chưa có cơ chế ghi nhận trong quá trình đánh giá, xếp hạng đối với tổ chức tín dụng có thành tích tốt trong hoạt động cấp tín dụng xanh, cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn/ kênh tiếp cận nguồn vốn thực sự hiệu quả để các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tín dụng xanh".

Bên cạnh đó, một số khó khăn khác mà các ngân hàng thương mại gặp phải còn là chất lượng của đội ngũ cán bộ trong công tác thẩm định, vấn đề "tẩy xanh" (khai khống giá trị xanh hoá), nguồn vốn cho tín dụng xanh là dài hạn và nhiều rủi ro...

Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong tài trợ cho phát triển bền vững

Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Tổng Giám đốc thường trực tại Deloitte Việt Nam, các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, đóng vai trò chính trong việc tài trợ cho phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu thông qua các sản phẩm và dịch vụ cho các ngành hàng và tăng cường khả năng tiếp cận tài chính chuyển đổi của doanh nghiệp.

Do đó, bà Ngọc đề xuất các ngân hàng thương mại nên xác định các nguyên tắc loại trừ đối với các lĩnh vực mà ngân hàng sẽ không hỗ trợ để giảm thiểu tất cả các rủi ro liên quan đến khí hậu và thiên nhiên, cũng như xây dựng chính sách ngành chi tiết cho các lĩnh vực nhạy cảm theo các thông lệ quốc tế tốt nhất và tuân thủ yêu cầu của từng ngành đặc thù.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc cho rằng cần xác định các nguyên tắc loại trừ đối với các lĩnh vực mà ngân hàng sẽ không hỗ trợ để giảm thiểu tất cả các rủi ro liên quan đến khí hậu và thiên nhiên. Ảnh: Tuấn Anh

"Không thể thiếu việc thiết lập, hoàn thiện các quy trình quản trị rủi ro để đánh giá rủi ro E&S cho tất cả khách hàng. Đưa rủi ro E&S vào phân loại rủi ro khách hàng, phát triển các quy trình giám sát và xem xét khách hàng định kỳ về rủi ro môi trường và xã hội và tham gia với khách hàng về các kế hoạch hành động trong trường hợp họ không tuân thủ đầy đủ các chính sách của ngân hàng" - bà Ngọc nói.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc khối Tư vấn Môi trường Xã hội và Quản trị (ESG) tại KPMG Việt Nam và Campuchia - khuyến nghị 8 giải pháp. Một, ngân hàng cần có chính sách và chiến lược về tín dụng xanh riêng biệt. Hai, xây dựng đa dạng sản phẩm tín dụng xanh. Ba, tích hợp các rủi ro môi trường vào khung quản trị rủi ro.

Bốn, xây dựng hệ thống dữ liệu môi trường xã hội đồng bộ để công bố thông tin minh bạch. Năm, nâng cao năng lực cho nhân viên. Sáu, thiết lập đơn vị thẩm định đánh giá yếu tố ESG. Bảy, chủ động tiếp cận các nguồn tài chính xanh. Tám, thực hiện các mô hình chịu đựng các rủi ro khí hậu (nếu cần thiết).

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn