MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bình quân mỗi ngày có trên 2.000 con lợn thịt được nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam. Ảnh: Thành Đô

Mỗi ngày nhập khoảng 2.000 con lợn thịt từ Thái Lan, sao giá thịt vẫn cao?

Vũ Long LDO | 22/07/2020 15:43

Tính đến ngày 20.7.2020, đã có trên 40.000 con lợn thịt từ Thái Lan được nhập khẩu vào Việt Nam, thông qua 12 doanh nghiệp được cấp phép. 

 Không hạn chế số lượng lợn nhập khẩu

Ngày 22.7, trao đổi với PV Lao Động, bà Trần Thị Thu Phương – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), cho biết, tính đến ngày 20.7.2020, đã có 12 doanh nghiệp nhập khẩu hơn 40.000 con lợn thịt vào Việt Nam. Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 con lợn thịt từ được nhập khẩu chính ngạch bổ sung vào nguồn cung trong nước.

Theo quy định hiện hành về kiểm dịch, việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam không hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu cũng như số lượng lợn thịt đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam.

Nếu các doanh nghiệp có đủ điều kiện để nhập khẩu lợn sống (như có khu cách ly kiểm dịch đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y) thì làm thủ tục kiểm dịch nhập khẩu theo quy định.

"Việc các doanh nghiệp nhập khẩu thực tế như thế nào phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, giá cả thị trường… Cục Thú y chỉ quản lý  về mặt kỹ thuật, bảo đảm lợn thịt nhập khẩu về Việt Nam an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm"- bà Trần Thị Thu Phương nói.

Hiện tại, mặc dù các doanh nghiệp như C.P, Dabaco, Mavin... vẫn duy trì số lượng lợn bán ra thị trường khá ổn định, trong đó, bình quân C.P đưa ra thị trường khoảng 15.000-16.000 còn lợn thịt/ngày. Chưa kể số lợn thịt do các thương lái bắt mua trong dân, nâng tổng số lợn được giết mổ để cung ưng cho thị trường lên tới 30-40 nghìn con/ngày. Thế nhưng, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh vẫn bị neo quá cao ở  mức 150.000-180.000 đồng/kg, bởi giá lợn hơi hiện nay vẫn quá cao, giao động ở mức 84.000-92.000 đồng/kg.

Chưa có thông tin về 45 doanh nghiệp xuất khẩu lợn của Thái Lan

Các xe chở lợn chờ thông quan tại cửa khẩu. Ảnh: Thành Đô 

Theo Bộ NNPTNT, Cục Thú y không hạn chế số lượng doanh nghiệp Thái Lan đăng ký xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam. Tuy nhiên, những doanh nghiệp xuất khẩu cần phải được Cục Thú y Thái Lan kiểm tra và chứng minh đáp ứng các yêu cầu về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đã được thống nhất giữa cơ quan thú y hai nước” – bà Trần Thị Thu Phương nhấn mạnh.   

Về thông tin đã gần 20 ngày nhưng danh sách 45 doanh nghiệp Thái Lan đã được Cục Thú y Thái Lan gửi cho Cục Thú y Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời có được phép nhập khẩu hay không, bà Trần Thị Thu Phương khẳng định:

Qua rà soát, Cục Thú y nhận thấy phần lớn các công ty này  (45 doanh nghiệp mà Cục Thú y Thái Lan đề nghị bổ sung - PV) không có trang trại chăn nuôi lợn, chỉ kinh doanh vận tải hàng hóa hoặc buôn bán lợn.

Vì vậy, để bảo đảm các lô lợn sống nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc từ những trang trại an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng các điều kiện đã thống nhất giữa hai nước, Cục Thú y đã báo cáo với Bộ NNPTNT về vấn đề này.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ NNPTNT, Cục Thú y đã đề nghị Cục Thú y Thái Lan cung cấp cho phía Việt Nam các tài liệu liên quan của các công ty mới đăng ký bổ sung để xuất khẩu lợn sống vào Việt Nam, nhằm bảo đảm đáp ứng các yêu cầu đã thống nhất với phía Thái Lan.

“Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, phía Thái Lan chưa cung cấp tài liệu của bất cứ công ty nào cho Cục Thú y xem xét” – bà Trần Thị Thu Phương khẳng định.

Theo Cục Thú y, hiện nay, cả nước có 195 xã thuộc 58 huyện của 19 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày.

Trong tháng 7.2020 (đến ngày 20.7.2020), bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 61 xã (bao gồm 1 xã mới và 60 xã tái phát) của 10 tỉnh. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy trong tháng là 2.356 con.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn