MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mỗi người dân cần giữ vai trò như một đại sứ du lịch

Gia Minh (thực hiện) LDO | 14/12/2019 12:04

Trong làm du lịch cộng đồng, cái khó là thay đổi hành vi và nhận thức của người dân. Do vậy, để du lịch cộng đồng phát triển tốt, mỗi người dân cần giữ vai trò như một "đại sứ".

Trước thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại Bình Định như trên, và thấy đề án phát triển du lịch cộng đồng mà UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt (số 4086/QĐ-UBND ngày 4.11.2019) là rất cần thiết, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, PV Báo Lao Động đã đề nghị bà Lê Thị Vinh Hương - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định - chia sẻ dưới góc độ người làm chuyên môn về du lịch chứ không phải là một lãnh đạo của sở. Bởi chúng tôi nhìn thấy được tâm huyết của một người am hiểu và rất mong muốn du lịch cộng đồng của tỉnh phát triển để tạo được sinh kế bền vững cho người dân.

Du lịch cộng đồng đã trở thành thương hiệu của vùng Tây Bắc. Vậy, theo bà nhận định, Tây Bắc thành công do đâu?

- Qua khảo sát và trải nghiệm thực tế tại các các mô hình, điểm du lịch cộng đồng ở Hòa Bình, Sơn La, chúng tôi nhận thấy rằng, để đảm bảo phát triển du lịch cộng đồng thành công, trước tiên phải có sự chủ động chủ trì của chính quyền địa phương, sự đồng thuận và tham gia của cộng đồng cùng sự vào cuộc của các bên liên quan trong phát triển du lịch cộng đồng.

Thứ hai, bản sắc văn hóa truyền thống là giá trị cốt lõi xuyên suốt để làm du lịch cộng đồng, do vậy cần thiết phải bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp. Thứ ba, homestay ở Tây Bắc đa dạng về thiết kế, trong đó kiểu nhà truyền thống (nhà sàn cộng đồng) là trung tâm của hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng. Thứ tư, người dân được trang bị kiến thức, kỹ năng làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp.

Và cuối cùng, có vai trò của chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trong việc tư vấn, hướng dẫn người dân trong xây dựng và phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng.

Bà Lê Thị Vinh Hương - Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định. 

Vậy, để nâng cao năng lực quản lý và phát triển du lịch cộng đồng, các địa phương dự kiến thực hiện thí điểm ở Bình Định sẽ chọn mô hình quản lý nào, thưa bà?

- Các mô hình quản lý du lịch cộng đồng phổ biến hiện nay gồm: Ban quản lý có đại diện cơ quan chính quyền nhà nước; Thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp (ví dụ Chi hội Du lịch cộng đồng); Doanh nghiệp du lịch liên kết với người dân làm du lịch cộng đồng; Hoặc các hộ dân tự tổ chức hoạt động có sự tư vấn, liên kết.

Với du lịch cộng đồng, thành công ở nơi này không thể áp dụng vào nơi khác vì phụ thuộc rất nhiều vào đặc tính riêng có của cộng đồng ở địa phương đó. Du khách đến trải nghiệm tại homestay của hộ dân vùng Tây Bắc, tìm hiểu đời sống của họ đều có chung cảm nhận về sự bình tâm, giản dị mà vẫn quyến rũ của con người nơi đây. Còn Quy Nhơn - Bình Định mang đến một ấn tượng sâu sắc về một vùng "đất võ trời văn” với những người dân rất nồng hậu, mạnh mẽ và hiếu khách.

Ở 2 địa phương sẽ thực hiện thí điểm, xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn) cơ bản đã có hoạt động du lịch phát triển, trong đó tỉ lệ người dân tham gia và làm chủ hoạt động du lịch trên 80%, dịch vụ du lịch do người dân tổ chức tại Nhơn Lý cũng khá phong phú. Tuy nhiên, địa bàn chưa có mô hình thống nhất để quản lý, vận hành du lịch cộng đồng. Do vậy, chúng tôi đề xuất xây dựng mô hình quản lý Ban quản lý có đại diện cơ quan chính quyền nhà nước để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch.

Còn tại Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn), nên xem xét mô hình doanh nghiệp liên kết với người dân xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng hoặc cộng đồng người dân tự tổ chức dưới sự hướng dẫn, quản lý của chính quyền địa phương và sự tư vấn của chuyên gia để phát triển du lịch cộng đồng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng người dân cần được triển khai thường xuyên và liên tục theo lộ trình. Bước đầu là truyền thông cộng đồng nhận thức chung về du lịch; các sản phẩm du lịch cộng đồng; pháp luật về du lịch, du lịch bền vững, đảm bảo an ninh an toàn, ứng xử văn minh du lịch... Tiếp đến là các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ du lịch (đón tiếp, nấu ăn, dọn phòng, tính toán doanh thu, thuyết minh, hướng dẫn...). Việc tập huấn cần được thực hiện theo các tiêu chí: Dễ hiểu, cụ thể, có thể áp dụng được ngay, thông qua hình thức "cầm tay chỉ việc".

Với du lịch cộng đồng, những trải nghiệm cùng người dân khiến cả du khách Tây và ta đều thích thú. Ảnh: Bình Long Travel

Được biết, trước khi phê duyệt đề án, sở cũng đã tổ chức nhiều đợt truyền thông về du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch cộng đồng trong tỉnh. Cụ thể ra sao, thưa bà?

- Từ năm 2018, Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức các lớp truyền thông, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về du lịch, nghiệp vụ du lịch cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động dịch vụ du lịch, phát triển du lịch cộng đồng tại 6 xã, phường trên địa bàn tỉnh, gồm: Xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, phường Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn); xã Nhơn Hậu (TX.An Nhơn); xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ); xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn). Năm 2019, sở tiếp tục triển khai 7 lớp truyền thông tại các xã phường của TP.Quy Nhơn, huyện Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, Hoài Ân. Đến nay, hơn 1.000 đại diện hộ gia đình có hoạt động dịch vụ du lịch đã tham gia các lớp này.

Các lớp truyền thông đã trang bị cho cộng đồng kiến thức cơ bản về du lịch bền vững, quy định pháp luật về hoạt động du lịch; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Người dân cũng được hướng dẫn nghiệp vụ du lịch cơ bản như lễ tân, buồng, quảng bá, ứng xử văn minh du lịch...

Nhưng thực tế, người dân có vẻ chưa chuyển biến rõ rệt trong thay đổi cách thức làm du lịch, phát triển bền vững?

- Qua công tác tổ chức các lớp học, chúng tôi nhận thấy đang có những chuyển biến tích cực từ phía người dân. Nhiều cộng đồng có những chia sẻ, vận động các hộ gia đình khác trong trách nhiệm bảo vệ môi trường, đưa hoạt động du lịch vào nền nếp. Hiệu quả của các lớp truyền thông chưa thể thấy rõ được trong ngày một ngày hai, mà sẽ như những "cơn mưa dầm" góp phần từng bước thay đổi nhận thức của người dân tham gia phát triển du lịch bền vững.

Mà trong làm du lịch cộng đồng, cái khó là thay đổi hành vi và nhận thức của người dân. Do vậy, để du lịch cộng đồng phát triển tốt, mỗi người dân cần đóng vai trò như một đại sứ du lịch.

 Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn