MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nhân nữ ở doanh nghiệp nhỏ và vừa

Vũ Long LDO | 23/01/2024 16:19

Sách trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chỉ ra các vấn đề bất cập và hướng giải quyết để phụ nữ có "sân chơi" bình đẳng, tạo ra của cải cho xã hội.

Công bố Sách trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ

Ngày 23.1.2024, phát biểu tại lễ công bố Sách trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Duy Đông nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2012-2022, số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ liên tục tăng với tốc độ ít nhất 2%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trung bình của khu vực DN.

"Đã có nhiều điển hình doanh nhân nữ thành công trên thương trường và đưa được các thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam ra thị trường quốc tế như Vinamilk, TH True milk, Vietjet…" - Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu dẫn chứng.

Tuy vậy, hiện nay các doanh nghiệp (DN) do nữ làm chủ đa số có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, số DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế...

Sách Trắng về DNNVV (Sách Trắng) do Phụ nữ làm chủ ở Việt Nam là ấn phẩm do ADB dự thảo, với sự hợp tác chặt chẽ từ Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KHĐT); này là sản phẩm của “Chương trình Tăng tốc Phát triển mạnh mẽ DN của Phụ nữ ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương (WAVES)”, do Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi) tài trợ.

Nhiều nữ doanh nhân đã tạo được thương hiệu cho doanh nghiệp. Ảnh: Vũ Long

Sách Trắng phân tích tình hình hoạt động của DNNVV do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam và các rào cản mà họ đang gặp phải. Sách cũng rà soát khung pháp lý hiện tại, bao gồm các chính sách hỗ trợ, khoảng trống pháp lý, và một số tồn tại trong thực thi đã ảnh hưởng tới hoạt động và tăng trưởng của các DNNVV do phụ nữ làm chủ.

Sách Trắng chỉ ra rằng, các nữ doanh nhân gặp hàng loạt trở ngại tài chính và phi tài chính. Những trở ngại này cản trở họ phát huy hết tiềm năng kinh doanh của mình. Trong đó, tiếp cận tài chính là một trong những trở ngại lớn nhất đối với các nữ doanh nhân và DNNVV do nữ làm chủ...

Cần tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nhân nữ

Đặt ra các vấn đề cần giải quyết, Sách Trắng khuyến nghị cần tạo “sân chơi” bình đẳng dành cho các DN do phụ nữ làm chủ, trong đó bình đẳng về nghĩa vụ thuế, điều kiện và lãi suất vay vốn. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, và các hiệp hội nên tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ và ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ nhóm DN này theo quy định.

Về dài hạn, Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu và quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ có tính chất ưu tiên hơn cho DNNVV do nữ làm chủ như tiếp cận tài chính, quản trị, công nghệ, ươm tạo DN. Các tổ chức hiệp hội ở trung ương và địa phương nên chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn lực để đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy các chính sách hỗ trợ DN.

Các DN do phụ nữ làm chủ đóng vai trò hết sức to lớn trong nỗ lực của quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu về phát triển bao trùm và bền vững. Chúng tôi hy vọng cuốn Sách Trắng không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về những cơ hội và thách thức của các DNNVV do phụ nữ làm chủ mà còn đặt nền tảng cho các sáng kiến nghiên cứu và hoạch định chính sách trong tương lai, nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của DNNVV do phụ nữ làm chủ.

Chúng tôi mong rằng các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các tổ chức hiệp hội DN, các tổ chức tài chính phát triển, cộng đồng DN, và các bên liên quan khác sẽ sử dụng Sách Trắng này để giúp phát triển các DNNVV do phụ nữ làm chủ – những DN sẽ có thể tạo động lực to lớn hơn cho tăng trưởng, tạo việc làm và thịnh vượng của Việt Nam.

(Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn