MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bên tại Công ty Huy Việt Nam (công ty mẹ của chuỗi Món Huế) vẫn đang mãi đổ lỗi cho nhau (ảnh: A.T).

Món Huế trong "ma trận" đổ lỗi, ai lo quyền lợi người lao động?

Thế Lâm LDO | 20/11/2019 16:16

Trong vài ngày qua, vụ chuỗi Món Huế ngừng hoạt động lại có những diễn biến mới khi nhà sáng lập Công ty Huy Việt Nam (Công ty mẹ của chuỗi nhà hàng Món Huế) là ông Huy Nhật xuất hiện và có những thông tin “tố” lại nhóm các nhà đầu tư nước ngoài.

Hơn một tháng trước, khi những nhà hàng Món Huế đầu tiên khởi phát dẹp tiệm và dần dần dẫn tới ngừng hoạt động của chuỗi nhà hàng Món Huế, nhà sáng lập là ông Huy Nhật “lặn” mất tăm.

Song mới đây, ông này đã xuất hiện trước truyền thông và cho biết vẫn đang ở TPHCM và đang chuẩn bị sẵn sàng nguồn tiền để thanh toán các khoản nợ cho nhà cung cấp.

Trước đó, tổng các khoản nợ đối với cả trăm nhà cung cấp được cho là lên đến 40 tỉ đồng. Các nhà cung cấp đã phản ánh rằng ban lãnh đạo Công ty Huy Việt Nam, trong đó có ông Huy Nhật “quỵt nợ”.

Chưa hết, nhóm các nhà đầu tư nước ngoài cũng khởi kiện nhà sáng lập Huy Nhật ra tòa với các cáo buộc là gây lỗ lãi, thất thoát.

Về phía nhà sáng lập Công ty Huy Việt Nam sau khi xuất hiện thì cho rằng, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm quyền điều hành công ty, âm thầm thay đổi tên người đại diện pháp luật của Công ty Huy Việt Nam, và cũng chính những người điều hành do nhóm nhà đầu tư nước ngoài cử vào công ty gây ra lỗ lãi song lại đổ lỗi cho ông…

Chưa hết, trong những ngày nước sôi lửa bỏng Món Huế đóng cửa và nhà cung cấp ùn ùn kéo đến trụ sở Công ty Huy Việt Nam đòi nợ thì xuất hiện bà K.H tự xưng là có đầu tư vào Món Huế cho biết muốn gặp gỡ các nhà cung cấp để lắng nghe nguyện vọng. Nhân vật này sau đó bị nhóm nhà đầu tư nước ngoài (được cho là đã rót vào Công ty Huy Việt Nam khoảng 70 triệu USD) phủ nhận rằng không có cổ đông hoặc nhà đầu tư trong nước nào đầu tư vào Huy Việt Nam.

Nhìn chung, Món Huế đóng cửa cho tới thời điểm này, thông tin từ hai, ba phía càng biến vụ việc này thành một ma trận đổ lỗi giữa các bên.

Trong khi đó, một hệ lụy rất lớn kéo theo sau khi Công ty Huy Việt Nam ngừng hoạt động là khoảng 1.500 nhân viên, người lao động mất việc. Trong đó, không ít người vào thời điểm tháng 10 còn cho biết công ty chưa thanh toán hết lương tháng 9 và tháng 10.2019. Không chỉ mất việc mà khoản thu nhập công ty còn nợ người lao động cũng bị cho rằng chưa giải quyết dứt điểm.

Nội dung thông báo về việc thanh toán lương cho người lao động.

Song điều đáng nói là, cả phía nhà sáng lập Công ty Huy Việt Nam và nhóm các nhà đầu tư nước ngoài sau khi cho mình là nạn nhân và đổ lỗi cho phía bên kia với những lập luận giành phần đúng, phần hay về mình thì chẳng bên nào thể hiện rõ sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động.

Trong vụ đóng cửa của Công ty Huy Việt Nam, đúng ra người lao động không chỉ phải được trả đủ lương mà còn cả những chế độ khác theo đúng hợp đồng ký kết giữa hai bên và theo đúng pháp luật lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn