MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Một giá điện cao nhất là 2.889 đồng/kWh đã hợp lý chưa?

Cường Ngô LDO | 11/08/2020 09:57

Theo chuyên gia năng lượng, nên xem xét tới phương án 3 bậc trước khi nhảy xuống ngay điện một giá.

Chính thức đề xuất một giá điện, cao nhất là 2.889 đồng/kWh

Theo dự thảo Quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Chính phủ, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt là tỷ lệ phần trăm (%) của giá bán lẻ điện bình quân (hiện là 1.864,44 đồng một kWh). Và khi mức giá bán lẻ điện bình quân được cấp có thẩm quyền điều chỉnh, biểu giá bán lẻ điện cũng điều chỉnh theo.

Hai phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được đưa ra lấy ý kiến, gồm 5 bậc thang và một giá điện. Khách hàng được quyền chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).

Bộ Công Thương cũng đưa ra 2 kịch bản tính giá. Ở kịch bản 1, biểu giá luỹ tiến 5 bậc có tỷ lệ thấp nhất bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân cho kWh 0-100 và cao nhất 274% giá bán lẻ điện bình quân với kWh từ 701 trở lên. Còn điện một giá tương ứng 145% giá bán lẻ điện bình quân, khoảng 2.703 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Còn kịch bản 2, giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc có tỷ lệ thấp nhất 90% giá bán lẻ điện bình quân cho 0-100 kWh và cao nhất 185% giá bán lẻ điện bình quân từ 701 kWh trở lên. Còn điện một giá là 155% giá bán lẻ điện bình quân, khoảng 2.890 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT.

Về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, GS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam cho biết, khi đã đưa ra phương án một giá điện, không nên đưa ra 2 mức (145% và 155%) như dự thảo.

“Chính phủ đã có mức giá bán lẻ bình quân (hiện là 1.864,44 đồng một kWh), khi tính toán thì lấy mức đó rồi cân đối cho phù hợp, đảm bảo lợi ích các bên. Tôi chưa hiểu vì sao phải đưa ra 2 phương án về điện một giá như thế”, ông Long nói.

Cũng theo GS Trần Đình Long, giá dự kiến theo phương án một giá điện trong dự thảo cao gần bậc 5, chứ không phải trung bình bậc 3. Điều này khiến những người tiêu dùng ít điện chịu thiệt.

"Đáng lẽ từ 5 bậc nên xem xét tới phương án 3 bậc trước khi "nhảy" xuống một giá luôn. Điện một giá trước sau gì chúng ta cũng phải tính đến khi hoàn thiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nhưng từ đây đến thời điểm đó mấy năm nữa, thời điểm này chưa thích hợp để áp dụng điện một giá", ông Long nêu quan điểm.

Theo ý kiến của ông Long, phương án 3 bậc sẽ bao gồm: bậc 1 từ 1-100kWh cho những gia đình khó khăn ở mức giá được hỗ trợ, bậc tiếp theo từ 101- 499 kWh với mức giá bình quân, còn lại khách hàng trên 500kwh thì sẽ phải giá cao hơn vì đây là mức dùng nhiều với các hộ khá giả.

Áp dụng điện 1 giá không có ý nghĩa tiết kiệm điện

Ông Ngô Văn Tuyển, chuyên gia về tài chính doanh nghiệp cho rằng, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh phải sử dụng công tơ 3 giá "rất khổ" trong điều hành sản xuất. Tuy nhiên, khả năng cung cấp điện chỉ có thế, vào giờ cao điểm, nhiều người dùng điện thì giá điện phải cao để điều tiết. Với bảng giá điện bậc thang cũng vậy, mục đích là tiết kiệm điện, không khuyến khích dùng nhiều điện.

Còn khi áp dụng bán điện một giá thì giá chung phải thật cao để mọi người tiết kiệm, lượng điện tiêu thụ không vượt quá khả năng cung cấp. Điều này khiến mục tiêu tiết kiệm điện của Nhà nước không còn ý nghĩa nữa.

Lãnh đạo một công ty tư nhân đang đầu tư vào lĩnh vực phát triển năng lượng cho Lao Động biết, sở dĩ Bộ Công Thương đưa ra nhiều phương án tính biểu giá điện sinh hoạt là vì tại thời điểm này, chưa có thị trường điện bán lẻ, nên giá bán điện cho người tiêu dùng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào việc tính toán giá điện bán lẻ của các Tổng công ty điện lực cho người tiêu thụ.

Vì vậy, khi các nhà máy điện độc lập của các doanh nghiệp tư nhân đấu nối vào lưới điện quốc gia sẽ đã tạo ra một thị trường điện bán buôn cạnh tranh, minh bạch hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn