MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên trở thành “thủ phủ” mắc ca với diện tích lớn nhất trong cả nước. Ảnh: Văn Thành Chương

Một huyện ở tỉnh biên giới bất ngờ trở thành “thủ phủ” mắc ca

NHÓM PV LDO | 24/05/2024 11:33

Với gần 50% dân số làm nông nghiệp chuyển sang trồng mắc ca, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã trở thành "thủ phủ" khi có diện tích mắc ca lớn nhất cả nước.

Để huyện Tuần Giáo trở thành “thủ phủ” cây mắc ca

Mắc ca vốn là loại cây được tỉnh Điện Biên ưu tiên phát triển để trở thành cây chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Trong khi nhiều huyện còn khó khăn khi triển khai, thậm chí có huyện xin dừng triển khai dự án thì huyện Tuần Giáo đã triển khai rất thành công và trở thành huyện có diện tích mắc ca lớn nhất trong cả nước.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về nội dung này, ông Lê Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: "Trước hết có thể nói huyện Tuần Giáo được thiên nhiên ưu ái, có những điều kiện lý tưởng, như: mùa đông lạnh, ít mưa; mùa hè nóng ẩm, nhiều mưa, nhiệt độ trung bình 21 - 23°C, lượng mưa dồi dào (1.300 - 2.000mm), độ ẩm cao (76% - 84%)...

Ngoài ra, với địa hình dốc giúp thoát nước tốt, hạn chế ngập úng, thối rễ cùng với việc trồng ở độ cao từ 500 - 1.800m là môi trường lý tưởng cho cây mắc ca phát triển. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn cả là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân".

Các đại biểu tham quan vườn tập kết cây mắc ca giống tại Ngày hội trồng cây mắc ca huyện Tuần Giáo năm 2024. Ảnh: Quang Đạt

Còn Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo Lò Văn Cương thì cho biết, từ hơn 3 năm trở lại đây, bên cạnh việc tuyên truyền vận động người dân, huyện Tuần Giáo đã tập trung nghiên cứu để đưa giống mắc ca phù hợp nhất vào trồng. Đồng thời tích cực tìm đầu ra ổn định cho loại cây này. Chính vì vậy chủ trương trồng mắc ca được người dân ủng hộ và đã gặt hái những kết quả ban đầu.

“Năm 2023, toàn huyện có 2.800 hộ dân tham gia trồng mới được gần 1.700ha cây mắc ca, tỉ lệ cây sống đạt trên 90%. Đây là kết quả vô cùng phấn khởi, mở ra hướng đi mới, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống cho nhân dân” - ông Lò Văn Cương nói.

Trồng cây mắc ca đã trở thành phong trào lan tỏa khắp các địa phương trong huyện. Ảnh: Văn Thành Chương

Phát huy kết quả đó, năm 2024 đã có 5.500 hộ gia đình đăng ký trồng mới cây mắc ca. Nâng tổng số hộ tham gia trồng cây mắc ca trên địa bàn lên gần 8.000 hộ, chiếm gần 50% dân số làm nông nghiệp.

"Do vậy, diện tích trồng mới năm 2024 đã đạt 3.300ha, nâng tổng diện tích cây mắc ca trên địa bàn huyện lên hơn 6.000ha và đưa Tuần Giáo trở thành huyện có diện tích cây mắc ca lớn nhất cả nước" - ông Cương cho biết thêm.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo, với tầm nhìn chiến lược, huyện Tuần Giáo đã đặt mục tiêu đến hết năm 2025 toàn huyện sẽ có gần 10 nghìn hecta cây mắc ca, trong đó có 8 nghìn hecta của người dân trồng. Bình quân mỗi hộ dân sẽ sở hữu khoảng 100 cây mắc ca.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường (phải) và Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo Lò Văn Cương trồng cây mắc ca trong Ngày hội trồng cây mắc ca huyện Tuần Giáo năm 2024. Ảnh: Quang Đạt

Hướng đi chiến lược cho phát triển kinh tế

Ngày 23.5, phát biểu tại Ngày hội trồng cây mắc ca huyện Tuần Giáo năm 2024, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, khẳng định, mắc ca được ưa chuộng tại 22 quốc gia với dân số hơn 2,2 tỉ người. Đây là cơ hội to lớn cho việc phát triển ngành mắc ca tại Điện Biên, đặc biệt là tại huyện Tuần Giáo.

Cũng theo ông Nguyễn Lân Hùng, để đưa mắc ca Điện Biên trở thành thương hiệu uy tín, chất lượng cao trên thị trường trong nước và quốc tế, cần xây dựng mô hình quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “mắc ca Điện Biên”.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phát biểu tại Ngày hội trồng cây mắc ca huyện Tuần Giáo. Ảnh: Quang Đạt

Còn Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường thì cho rằng, để biến cây mắc ca, cà phê và các loại cây trồng giá trị kinh tế cao thành hướng đi lâu dài, hiệu quả, huyện Tuần Giáo cần tập trung đầu tư phát triển ngành nông, lâm nghiệp, đặc biệt chú trọng vào các cây chiến lược như cây mắc ca.

Để phát triển bền vững cần áp dụng mô hình liên kết sản xuất đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đồng thời, gắn với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng.

"Ngoài ra, cần khuyến khích và hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm mắc ca Điện Biên, tìm kiếm đầu ra ổn định cho người dân" - Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhấn mạnh.

Cây mắc ca tại tỉnh Điện Biên, từ năm 2002 đã được cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đưa lên trồng thử nghiệm tại một số huyện và thành phố Điện Biên Phủ.

Đến năm 2009 được đưa vào trồng tại huyện Mường Ảng thông qua một số chương trình, dự án và sau đó được người dân và doanh nghiệp phát triển mở rộng.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Điện Biên đã trồng được hơn 7.200 ha, trong đó, chỉ tính riêng huyện Tuần Giáo đã trồng được trên 2.500 ha, chiếm 35% diện tích toàn tỉnh. Sản sản lượng thu hoạch mắc ca toàn tỉnh năm 2023 đạt 373 tấn hạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn