MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NHNN vừa hút lượng tiền lớn khỏi hệ thống. Ảnh: LD

Một lượng tiền lớn được rút khỏi thị trường

TRÍ MINH LDO | 24/10/2022 10:07

Sau một thời gian bơm tiền để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), trong vài ngày qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút lượng tiền lớn ra khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu.

Cụ thể, chỉ trong 3 phiên từ 18.10 - 20.10, NHNN đã hút về gần 110.000 tỉ thông qua kênh phát hành tín phiếu. Trong khi đó, nhà điều hành chỉ bơm ra chưa đầy 1.000 tỉ thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá. Tính chung, NHNN đã rút khỏi hệ thống ngân hàng hơn 109.000 tỉ trong 3 ngày qua. Trong phiên giao dịch 21.10, NHNN cũng chào thầu tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với 16.200 tỉ đồng trúng thầu lãi suất ở mức 5%.

Trước đó, trong khoảng hai tuần, nhà điều hành đã bơm lượng tiền lớn ra thị trường để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD. Có thời điểm, chỉ trong 6 phiên giao dịch qua, NHNN đã bơm hơn 60.000 tỉ đồng cho các TCTD mà không hút về đồng nào.

Theo giới quan sát, động thái đảo chiều của NHNN diễn ra trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu. Theo cập nhật mới nhất trong phiên giao dịch ngày 20.10, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm là 4,04%/năm. Trước đó, vào đầu tháng 10, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng có thời điểm đã lập đỉnh 8,44%/năm. Đồng thời, việc rút tiền về của NHNN cũng được cho nhằm giảm áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ.

NHNN vừa hút lượng tiền lớn khỏi hệ thống. Ảnh: LD
Trong những ngày qua, tỉ giá đã liên tục tăng nóng. Theo ghi nhận của PV vào ngày 21.10, tỉ giá USD tại ngân hàng Techcombank và VietinBank niêm yết ở mức kịch trần biên độ là 24.872 đồng.

Báo cáo vĩ mô của Chứng khoán VNDirect nhận định rằng tỉ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phải bán bớt một phần dự trữ ngoại hối để ổn định tỉ giá.

Theo ước tính của VNDirect, dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống còn khoảng 3 tháng nhập khẩu (khoảng 89 tỉ USD) so với mức 3,9 tháng vào cuối năm 2021. Do đó, các chuyên gia cho rằng, NHNN có ít dư địa để hỗ trợ tỉ giá hối đoái hơn so với trước đây trong trường hợp đồng USD tiếp tục mạnh lên trong những tháng cuối năm 2022. Vì vậy, đồng VND được dự báo có thể mất giá khoảng 6-8% so với USD trong năm 2022.

Trong khi đó, đối với năm 2023, áp lực lên tỉ giá hối đoái của Việt Nam được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt đáng kể và VND sẽ tăng giá 1-2% so với USD trong năm 2023. Nguyên nhân là do Fed có thể sẽ chuyển từ "thắt chặt chính sách tiền tệ" sang "bình thường hóa" vào năm tới, đồng thời có khả năng giảm nhẹ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2023.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, lãi suất VND có xu hướng tiếp tục tăng lên trong năm 2023, bên cạnh đó bộ đệm từ thặng dư thương mại và thặng dư cán cân thanh toán tốt hơn trong năm 2023.

Theo NHNN, từ đầu năm 2022 đến nay (đặc biệt là từ giai đoạn tháng 3), tỉ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn từ những diễn biến phức tạp, khó lường trên thị trường quốc tế (Fed đẩy mạnh lộ trình thắt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất ở mức độ lớn với tần suất cao, đồng USD quốc tế có thời điểm tăng đến hơn 19%, xung đột Nga-Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn làm giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao...). Cân đối cung - cầu trên thị trường ngoại tệ trong nước khó khăn, hệ thống TCTD bán ròng ngoại tệ cho khách hàng.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỉ giá chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỉ giá diễn biến linh hoạt hơn, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán lượng lớn ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn