MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
2023 là một năm chật vật với ngành dệt may - Ảnh: Website GMC

Một năm gian khó của ngành dệt may

Anh Tuấn LDO | 04/12/2023 17:07

Garmex Sài Gòn - một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may từng cắt giảm gần 4.000 lao động ở TPHCM vì không có đơn hàng cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể tuyển lại lao động.

Doanh nghiệp cắt giảm hàng nghìn nhân sự

Năm 2023 là năm “khó chồng khó” của ngành dệt may - ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Điển hình nhất là Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) - doanh nghiệp xuất khẩu dệt may ở TPHCM với doanh thu trong quý III vỏn vẹn 73 triệu đồng, nhân sự cắt giảm từ hơn 3.700 người so với cuối 2021, giờ chỉ còn 37 nhân sự. Thời cao điểm, doanh nghiệp này từng có 4.000 nhân sự.

Trong văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đầu tháng 12.2023, Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) cho biết, tình hình hoạt động kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy đối với ngành may thì sẽ lỗ rất nhiều nên đã tổ chức lại bộ máy, tiếp tục cắt giảm lao động, tạm ngừng sản xuất kinh doanh để giảm thiểu thiệt hại.

Ngoài ra, công ty sẽ đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro và đầu tư mới trong năm 2023 và dự án nhà ở 1,5 ha của Công ty CP Phú Mỹ.

Nhưng hiện tại công ty chưa thể tuyển lại lao động cho ngành truyền thống. Công ty có đầu tư khôi phục lại ngành may hay không sẽ tùy thuộc vào tình hình thị trường.

Biến động cổ phiếu GMC trong 3 tháng trở lại đây, hiện có giá 7.840 đồng/cổ phiếu Nguồn: Fireant

"Công ty tối ưu hóa nguồn lực hiện có. Đồng thời tìm kiếm đối tác để thực hiện chuyển nhượng bán tài sản không sử dụng", lãnh đạo GMC cho hay.

Về hướng đi, công ty này cho biết sẽ đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro. Lãnh đạo GMC cũng tiết lộ khoản đầu tư mới trong năm 2023 vào dự án nhà ở của Công ty cổ phần Phú Mỹ.

Trước đó, tại cả hai kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên và bất thường năm 2023, hội đồng quản trị Garmex Sài Gòn đều có báo cáo tình hình kinh doanh không thuận lợi của công ty.

Trong đó xác định nếu giữ sản xuất tại các nhà máy may, công ty sẽ lỗ rất nhiều nên việc tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, ngừng sản xuất để giảm thiệt hại là cần thiết.

Khó hoàn thành mục tiêu xuất nhập khẩu 700 tỉ USD

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11.2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,88 tỉ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 619,17 tỉ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 5,9%; nhập khẩu giảm 10,7%.

Dự báo, những tháng cuối năm nay vẫn khó khăn do cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt, sự bất định gia tăng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm…

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng Nhà nước cũng như các Ngân hàng thương mại xem xét giảm thiểu các điều kiện vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật như giảm 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản.

"Càng cắt giảm điều kiện cho vay, doanh nghiệp càng tiếp cận dễ dàng hơn và tổng số vốn vay được nhiều hơn", ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn