MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Một năm triệt phá hàng trăm đường dây bán hàng lậu "khủng"

Cường Ngô LDO | 01/01/2021 14:14

Năm 2020 là năm lực lượng quản lý thị trường triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm sản xuất hàng giả, hàng lậu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có nhiều vụ đã được Phó Thủ tướng gửi thư khen ngợi.

Triệt phá nhiều vụ hàng lậu

Ngày 7.7.2020 là một ngày đáng nhớ của lực lượng QLTT, khi ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng QLTT đã ra "lệnh" tổng kiểm tra kho hàng lậu cực lớn ở đường Hoàng Diệu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Nhóm chuyên án, bao gồm phòng Nghiệp vụ 1, Tổ công tác 368 phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02) và Cục A05, Bộ Công an, huy động gần 100 chiến sĩ cảnh sát cơ động tấn công "sào huyệt" tổng kho hàng lậu hơn 10.000m2 do Trần Thành Phú và em gái cầm đầu.

Nói là "sào huyệt" không quá, bởi, từ cổng vào, bên phải là khu chòi canh bảo vệ, bên trái là lối đi rộng đủ cho 2 xe container vào tận sâu trong kho bốc dỡ hàng. Bên trong tổng kho được ngăn khu chức năng, lối đi thông nhau và được bố trí lắt léo như bước vào một ma trận.

Tổng kho hàng lậu ở Lào Cai bị lực lượng QLTT phát hiện. Ảnh: DMS

Hàng hóa được phân khu bài bản, được đánh mã số thống nhất để tiện cho việc chốt đơn, lấy hàng, đóng gói và gửi đi. Thời điểm nào cũng có trên dưới 70 nhân viên hoạt động nhộn nhịp. Ai biết việc của người ấy. Người thì livestream giới thiệu sản phẩm cho khách xem trên Facebook, người thì tập trung chốt đơn khi có khách hỏi hàng, xa xa là nhóm chỉ chuyên in địa chỉ mã hàng đóng gói, nhập COD, phân loại hàng hóa theo địa chỉ chốt đơn sau đó hàng hóa được chuyển tới phòng chờ chuẩn bị chuyển phát.

Theo ông Trần Hữu Linh, ngày nào tối thiểu nhóm này cũng chốt được trên dưới 1.000 đơn hàng. Bình quân hàng tháng gần 100.000 đơn vị sản phẩm, phục vụ cho 30.000 đến 40.000 đơn hàng.

"Làm phép tính nhẩm đơn giản, nếu tổng kho này tồn tại 1 năm thì sẽ có hàng triệu sản phẩm được bán lẻ từ đây đi khắp Việt Nam, đấy là còn chưa kể kênh bán buôn", ông Linh nói, đồng thời cho biết, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ, niêm phong toàn bộ kho hàng, gồm 151.326 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu) và 6.688 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Lực lượng QLTT đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan để điều tra, khởi tố và được Phó Thủ tướng gửi thư khen ngợi.

Trong năm 2020, lực lượng QLTT cũng đã triệt phá nhiều vụ sản xuất hàng giả, hàng nhập lậu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lớn.

Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19, Tổng cục QLTT cũng nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu các Cục QLTT địa phương chủ động và phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, thiết bị y tế...

Trong giai đoạn 2020-2021, Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ, tra cứu chứng từ điện tử, quản lý cán bộ, thi đua khen thưởng…

Hoạt động này góp phần giúp công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý và hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được chủ động, thông suốt, thống nhất, kịp thời và đạt hiệu quả cao.

Lực lượng QLTT luôn đặt bản thân trong bối cảnh mới

Mặc dù đạt kết quả nhất định, song theo ông Trần Hữu Linh, lực lượng QLTT còn mỏng, phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đồng thời phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như phòng chống dịch bệnh, giải tỏa chợ, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành… nên gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

Trước tình hình mới, ông Trần Hữu Linh cho rằng, lực lượng QLTT tự nhìn nhận và luôn đặt bản thân trong bối cảnh mới của thị trường, không chỉ gói mình trong nhiệm vụ QLTT trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng, mà còn có nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế như chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, hợp lực cùng các lực lượng chức năng chống buôn lậu qua biên giới.

Sau 2 năm hoạt động, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý gần 150.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước ước trên 1.100 tỉ đồng. Trong đó, riêng năm 2019 và 6 tháng năm 2020, lực lượng QLTT chuyển cơ quan điều tra 176 vụ, đã khởi tố 23 vụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn