MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lượng khách Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Trung Quốc tăng mạnh từ đầu năm 2024. Ảnh: Nguyễn Hùng

Một số người Quảng Ninh phải mở hoặc mượn công ty ở ngoài tỉnh để đón khách Trung Quốc

Nguyễn Hùng LDO | 18/04/2024 06:49

Quảng Ninh - Do công ty ở các tỉnh, thành khác không phải tuân thủ Quy chế 3486 của tỉnh Quảng Ninh nên một số người Quảng Ninh mở các công ty ở tỉnh, thành khác hoặc “mượn” tên các công ty ở ngoại tỉnh để đón khách đường bộ Trung Quốc.

Doanh nghiệp Quảng Ninh thua thiệt, thị trường vẫn bát nháo

Theo thống kê, số lượng các công ty lữ hành có trụ sở tại Quảng Ninh đang đón khách du lịch đường bộ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái rất ít và nếu có đón thì cũng với số lượng khách không nhiều.

Từ nhiều năm qua, các công ty ngoại tỉnh luôn chiếm số lượng áp đảo, chi phối cơ bản các hoạt động đón dòng khách đầy tiềm năng này. Những công ty ngoại tỉnh đó hầu hết do các cá nhân ở các địa phương đó đứng tên, cũng có một số do người Quảng Ninh làm giám đốc, nhưng tựu chung lại vẫn do một số nhân vật ở Quảng Ninh điều hành, bởi những người ở nơi khác không dễ gì chen chân được.

Câu chuyện “mua văn” - nghĩa là mượn danh các công ty ở các tỉnh, thành khác đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái - đã xuất hiện từ nhiều năm qua ở Quảng Ninh.

Tại sao lại có tình trạng này?

Tháng 11.2015, trước tình trạng lộn xộn của việc đón dòng khách này, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quy chế 3486 về quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ của tỉnh Quảng Ninh, nhằm bảo vệ quyền lợi của du lịch và hình ảnh của du lịch Quảng Ninh.

Theo đó, các công ty du lịch muốn tham gia đón dòng khách này phải tuân thủ một loạt các quy định, trong đó có: phải cung cấp tour trọn gói cho khách; có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại tỉnh Quảng Ninh; mức ăn tối thiểu đạt 100.000 đồng/người/bữa chính…

Theo các công ty du lịch ở Quảng Ninh, nếu thực hiện theo quy chế trên thì rất tốt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, nhưng các công ty ngoại tỉnh không thực hiện cũng chẳng sao vì đây chỉ là những quy định riêng của Quảng Ninh, chứ luật không bắt buộc phải làm như vậy.

Kết quả: Số lượng các công ty lữ hành có trụ sở ở các tỉnh, thành khác tham gia đón khách đường bộ Trung Quốc ở Quảng Ninh ngày một tăng.

Năm 2016, các công ty lữ hành của Quảng Ninh đón trên 345.000 khách, còn các công ty ngoại tỉnh đón gần 110.000 khách. Năm 2017, các công ty ngoại tỉnh đón gần 300.000 khách thì các công ty trong tỉnh đón 227.000 khách. Những năm tiếp theo, cán cân lệch hẳn, các công ty ngoại tỉnh chiếm hết thị phần.

Từ nhiều năm qua, phần lớn lượng khách Trung Quốc đều do các công ty có trụ sở ở ngoài Quảng Ninh đăng ký đón. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo bà N.T.H - giám đốc một công ty lữ hành tại Hạ Long cho biết: “Từ năm 2015, tỉnh Quảng Ninh đã quy định bữa ăn chính tối thiểu phải là 100.000 đồng/người nhưng hiện nay các công ty lữ hành chỉ cung cấp bữa ăn cho du khách từ 50.000 - 60.000 đồng/người/bữa. Luật quy định khách muốn ăn ở đâu thì tùy, nên các công ty ngoại tỉnh bảo du khách tự đi ăn hoặc ăn mức giá nào thì tùy, còn các công ty trong tỉnh nghiễm nhiên phải tính nộp thuế ở mức tối thiểu 100.000 đồng/người/bữa”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Công ty CP Du lịch lữ hành Hữu Nghị, trụ sở tại Quảng Ninh - rắc rối ở chỗ là, kể cả du khách tự đi ăn ngoài thì công ty có trụ sở ở Quảng Ninh vẫn phải lo hoàn tất các thủ tục, hóa đơn về bữa ăn đó, bởi khi các cơ quan chức năng kiểm tra thấy thiếu sẽ bị phạt rất nặng.

Đề nghị bỏ Quy chế 3486

Để tạo sự bình đẳng, các công ty du lịch có trụ sở tại Quảng Ninh đã nhiều lần kiến nghị tỉnh Quảng Ninh bỏ Quy chế 3486 bởi Quy chế này vô tình tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh gần như độc chiếm địa bàn, còn các doanh nghiệp trong tỉnh lụi dần.

“Tất cả cùng thực hiện theo Quy chế 3486 được thì rất tốt, nhưng doanh nghiệp ở ngoại tỉnh Quảng Ninh không thực hiện cũng chả sao. Vì thế, nên bỏ quy chế 3486 để doanh nghiệp trong tỉnh dễ thở hơn" - đại diện một công ty lữ hành có trụ sở ở Móng Cái chia sẻ. "Tuy nhiên, bỏ quy chế trên nhưng vẫn với cơ chế phối hợp quản lý hiện nay thì các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn lép vế trước các doanh nghiệp bên ngoài”.

Những năm trước đại dịch COVID-19, hàng loạt các công ty có trụ sở ngoài Quảng Ninh bị xử phạt, thậm chí thu hồi giấy phép do vi phạm các quy định về đón khách, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, lại xuất hiện các công ty mới tham gia vào thị trường.

Rất nhiều công ty vi phạm mà các sở, ngành liên quan của Quảng Ninh có công văn gửi ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phối hợp xử lý những hầu như không nhận được câu trả lời.

Không phải ngẫu nhiên mà tỉnh Quảng Ninh nhiều lần đề xuất các công ty lữ hành muốn đón khách Trung Quốc nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ của Quảng Ninh phải có trụ sở hoặc chi nhánh và khai - nộp thuế tại Quảng Ninh. Bởi chỉ có vậy mới quản lý được các công ty lữ hành do sự phối hợp giữa các tỉnh, thành, với các ban, ngành còn lỏng lẻo.

Và chỉ quản lý được các công ty lữ hành thì ổn định được thị trường, đảm bảo quyền lợi của du khách và hình ảnh du lịch không chỉ của Quảng Ninh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn