MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân ở huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) còn lại giữ lại vài cây vú sữa ở ven nhà. Ảnh: Thành Nhân

Một thời danh tiếng, vú sữa Lò Rèn đang dần mai một ngay tại quê nhà

Thành Nhân LDO | 23/01/2023 12:03
Từng là loại trái cây tiên phong xuất khẩu, có diện tích trồng lớn ở Tiền Giang nhưng giờ đây do thu nhập mang lại bấp bênh, cây già cỗi,... khiến diện tích trồng vú sữa Lò Rèn giảm dần ở nơi khai sinh ra nó và có nguy cơ bị loại bỏ để trồng cây khác.

Danh tiếng một thời

Từng là loại trái cây tiên phong lên đường xuất khẩu sang Mỹ vào cuối năm 2017, giờ đây diện tích vú sữa Lò Rèn ở xã Vĩnh Kim, nơi được xem là quê hương của loại trái cây này, diện tích đang bị giảm dần theo thời gian.

Đầu năm 2023, PV Báo Lao Động đã đi đến xã Vĩnh Kim để tìm trái vú sữa Lò Rèn. Trái với cảnh đang vào mùa thu hoạch như trước đây, người dân xứ này đã đốn bỏ cây vú sữa thay đổi trồng dừa hoặc sapôchê đang cho trái.

Ghé một vựa bán dừa cặp Đường tỉnh 876, ông Nguyễn Minh Trí (46 tuổi, ngụ ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết, ông đã làm thương lái bán dừa hơn 20 năm.

Theo ông Trí, ngày xưa, vùng đất này được xem là quê hương của vú sữa Lò Rèn nhưng giờ đây, người dân ở xứ này đa số đã chuyển qua trồng dừa hoặc sapôchê.

Người dân chuyển dần sang cây dừa. Ảnh: Thành Nhân

Theo ông Trí, chính những người dân từ trồng vú sữa chuyển sang trồng dừa cho biết, cây vú sữa dễ bị tổn thương do hạn hán, xâm nhập mặn nên cho trái nhỏ và năng suất thấp dẫn đến thua lỗ nên người dân đã phải chuyển dần.

Cây vú sữa bị chặt chuyển sang trồng cây dừa. Ảnh: Thành Nhân

Ông Hồ Nhật Mạnh (42 tuổi, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết, ngày xưa gia đình ông trồng gần 5.000m2 vú sữa Lò Rèn chính gốc. 

Cây vú sữa đã giúp gia đình ông thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, xây được nhà tường khang trang. Nhưng không hiểu sao thời gian gần đây vườn vú sữa ngày càng suy kiệt, cho trái không nhiều và trái cũng không to ngon như xưa.

Mặc dù đã cố gắng xử lý bằng nhiều cách nhưng không hiệu quả, đành đốn bỏ chuyển sang trồng dừa.

Không dễ khôi phục vú sữa Lò Rèn

Ông Võ Văn Men, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, diện tích trồng cây vú sữa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giảm. Cụ thể, trước đây diện tích trồng vú sữa khoảng 2.800 hecta, sau đó giảm dần đến nay diện tích còn 350 hecta.

Theo ông Men, nguyên nhân do cây vú sữa già cỗi. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi không thuận lợi, đặc biệt là giá bán trái vú sữa rất thấp.

“Trái vú sữa từ khi ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 8 tháng. Giá bán vú sữa mấy năm vừa qua dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. So với các loại cây trồng khác thì hiệu quả kinh tế không cao”, ông Men thông tin.

Vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang) từng vang bóng một thời. Ảnh: Thành Nhân

Ông Men cho biết thêm, trước tình hình trên, Tiền Giang có xây dựng thực hiện đề án “Thí điểm khôi phục cây vú sữa Lò Rèn” với diện tích 15 hecta, với 77 hộ tham gia. Trong khi xây dựng đề án này, cơ quan chức năng có lấy ý kiến bà con nông dân và nhận được sự đồng thuận.

Tuy nhiên, sau khi đề án đã hoàn chỉnh khi triển khai thì bà con nông dân không đồng thuận thực hiện khôi phục trồng cây vú sữa. Đến nay, đề án “Thí điểm khôi phục cây vú Lò Rèn” đã tạm ngưng.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang tập trung phát triển những loại cây này là lợi thế của tỉnh như sầu riêng, khóm, bưởi, mít,… Trong thời gian qua, đã tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền đến với người dân đảm bảo điều kiện khi thu hoạch nông sản chất lượng để xuất khẩu ra thế giới góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn