MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi mặt bằng lãi suất huy động giảm, hoạt động chuyển nhượng sổ tiết kiệm bỗng trở nên sôi động. Đồ hoạ: Minh Huy

Mua bán, sang nhượng sổ tiết kiệm nhộn nhịp trên không gian mạng

Minh Ánh LDO | 26/07/2023 17:50

Trên không gian mạng, thị trường giao dịch chuyển nhượng, mua bán sổ tiết kiệm diễn ra sôi động, nhất là khi các ngân hàng giảm lãi suất huy động.

Nhộn nhịp thị trường chuyển nhượng sổ tiết kiệm

Cuối tháng 7, hàng loạt ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động về mức dưới 8%/năm. Kể từ đó, các bài đăng mua bán, sang nhượng sổ tiết kiệm trên các hội nhóm Facebook cũng xuất hiện rầm rộ.

Tại nhóm Facebook "Gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng", không khó để bắt gặp các bài đăng sang nhượng, mua bán sổ tiết kiệm được đăng tải liên tục.

"Tôi cần nhượng lại cuốn sổ tiết kiệm tại Hà Nội. VPBank 5 tỉ, lãi suất 8,7%. Thời hạn 8 tháng" - ông Đỗ Hồng Quang (tên nhân vật được thay đổi) đăng bài trên hội nhóm ngày 26.7.2023.

Theo ông Quang, sổ của ông còn 3 tháng, tức đến tháng 10 mới đáo hạn. Tuy nhiên, nếu muốn rút trước kỳ hạn thì ông sẽ mất toàn bộ số tiền lãi.

"Tôi đang có 5 tỉ đồng gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Tuy nhiên vì lý do cần vốn để đầu tư nên tôi muốn sang nhượng sổ cho người có nhu cầu" - ông Quang nói.

Theo ông Quang, trước khi đăng bài lên các hội nhóm, ông đã "nằm vùng" và hỏi rõ về phương thức sang nhượng sổ tại ngân hàng. Theo đó, ông chỉ cần tìm được người có nhu cầu, sau đó cùng lên ngân hàng làm thủ tục, đóng phí chuyển nhượng là đã hoàn thành giao dịch.

Bài đăng tìm người mua sổ tiết kiệm của chị Q.C trên nhóm Facebook. Ảnh chụp màn hình

Chị Q.C (Hà Nội) - một người có nhu cầu chuyển nhượng sổ tiết kiệm ngân hàng - cho biết: "Mình đăng bài cần nhượng hai sổ tiết kiệm 2,5 tỉ đồng với lãi suất là 10,3% và sổ 2,1 tỉ đồng lãi suất 9,3% vào ngày 25.7.2023. Có rất nhiều người có nhu cầu muốn mua lại sổ. Phần tin nhắn của mình liên tục có thông báo mới.

Có người chỉ muốn mua lại một sổ, có người mua lại cả hai. Và ngay trong ngày hôm đăng bài, mình đã hoàn thành luôn việc sang nhượng" - chị C. chia sẻ.

Đề phòng rủi ro

Theo Thông tư số 48 quy định tiền gửi tiết kiệm, quy định chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm được thực hiện như sau: Tổ chức tín dụng hướng dẫn người gửi tiền cách thực hiện chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm hợp pháp. Trường hợp sổ được chuyển nhượng theo thừa kế, đối tượng nhận sang tên cần đảm bảo là công dân Việt Nam (nếu là sổ gửi bằng đồng Việt Nam), hoặc công dân Việt Nam là người cư trú (nếu sổ gửi bằng ngoại tệ).

Tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng hiện nay, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm yêu cầu hoàn thiện giấy tờ cả 3 bên: Chủ cũ, chủ mới, ngân hàng chủ quản. Vì thế, thủ tục này chỉ được thực hiện tại chi nhánh/phòng giao dịch dưới sự hỗ trợ trực tiếp của giao dịch viên.

Phí sang tên sổ tiết kiệm của các ngân hàng hiện nay đang dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/lần/sổ hoặc tài khoản. Tùy thuộc ngân hàng mà mức phí này được quy định khác nhau.

Trao đổi với Lao Động, Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương - Đoàn Luật sư Hà Nội - cho biết, điểm cốt lõi là việc mua bán sổ tiết kiệm chỉ được thực hiện tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng dưới sự hỗ trợ trực tiếp của giao dịch viên, như vậy mới loại bỏ tất cả được các rủi ro không đáng có.

Bà Hương cho biết, có nhiều trường hợp người mua và người bán chuyển nhượng sổ tiết kiệm cho nhau dưới hình thức ký hợp đồng ủy quyền nhận tiền thay khi đến hạn. Theo đó, việc ủy quyền không phải là một hình thức chuyển nhượng, người ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền.

Trên thực tế, Thông tư số 04/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền sẽ có hiệu lực từ ngày 1.8. Theo đó, khách hàng rút toàn bộ tiền gửi trước hạn sẽ nhận được mức lãi suất bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi.

Nếu rút trước hạn một phần tiền gửi thì phần tiền gửi rút trước hạn sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất. Phần tiền gửi còn lại sẽ áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn