MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mùa dịch COVID-19: Mùa của những biểu tượng tình người

Bình minh LDO | 17/04/2020 08:00

Câu chuyện về những phần quà thiện nguyện đã không còn là những điều xa lạ. Kể từ khi COVID-19 bùng phát, hàng loạt những tấm lòng đã được chuyển đến cho những người có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ.

Gần đến giờ trao tặng gạo cho các tài xế công nghệ, đội ngũ nhân viên áo xanh cẩn thận phân chia khối lương thực khổng lồ thành từng khẩu phần. Giữa cái nắng oi bức của những ngày giao mùa, chị Vân Thảo (nhân viên Grab, TPHCM) vẫn miệt mài với cả tấn gạo và hàng trăm thùng mì tôm. Không riêng mình chị, những nhân viên văn phòng từng thoải mái thuyết trình trước hàng chục lãnh đạo cấp cao, giờ đây đang hăng hái xếp gọn những bao gạo, thùng mì. Những giọt mồ hôi lăn dài, rồi mất hút sau lớp khẩu trang. 

Những túi gạo, thùng mì ấm tình người trích từ chính ngân sách của doanh nghiệp được trao tận tay những bác tài, hóa thành muôn vạn bữa cơm no ấm, giúp họ cất bớt những gánh nặng, âu lo trong thời gian khó khăn này.

Tài xế công nghệ đội mưa chở về những phần gạo và mì do Grab “tiếp tế“, trưa ngày 12.4. 

Ấm áp những biểu tượng tình người 

Những chiếc khẩu trang, phần cơm hộp, hay chỉ vài ký gạo, vài gói mì dù chẳng đáng giá bao nhiêu được trao tay như những món quà đầy trân quý, trở thành sự hỗ trợ và động viên thiết thực nhất để vượt qua mùa dịch này.

Khẩu trang vải: Chiếc khẩu trang là “tấm khiên” phòng dịch hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, đối với những người mà bữa ăn còn khó kiếm mỗi ngày thì những chiếc khẩu trang kháng khuẩn là vô cùng “xa xỉ”. Tấm vải sờn cũ cắt từ bộ quần áo cũ cứ thế “tái chế” đủ để che mũi, miệng. 

Cũng vì vậy, những phần quà gửi đến người nghèo trong đại dịch chắc chắn không thể thiếu những chiếc khẩu trang vải, sạch sẽ và có thể tái sử dụng sau khi giặt. 

Trong mùa dịch, giá một hộp khẩu trang có thể “đội" lên đến hàng triệu bạc. Nhưng những quầy khẩu trang miễn phí vẫn đó đây rải rác khắp thành phố, phân phát cho bất kỳ ai cần, không thu lấy một đồng.

Những suất ăn ấm nóng: Đối với những mảnh đời kém may mắn, những cụ già neo đơn thì một suất cơm ấm nóng, ổ bánh mì thịt hay một hộp sữa lấp đầy chiếc bụng đói chắc chắn là món quà mà họ đầy trân quý. 

Với nguồn lực từ xã hội, dù hoạt động có phần khó khăn trong suốt những tuần cách ly vừa qua, nhưng không ít quán cơm từ thiện vẫn duy trì hoạt động, bếp lửa luôn được nhóm lên để người dân nghèo có thể tìm tới mọi lúc.

Nhiều điểm phân phát suất ăn miễn phí mọc lên khắp thành phố, cùng với câu khẩu hiệu quen thuộc “Nếu bạn khó khăn, hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường người khác”. Và lạ thay không thấy những cảnh tranh nhau giành giật. Những người đang thiếu, họ đến và đi, nhận vừa đủ thức ăn, nhường người thiếu hơn, nói lời cảm tạ.

Những suất ăn “ai cần đến lấy” được phát ra hằng ngày. 

Gạo và mì: Hai loại lương thực dễ trữ, dễ nấu, dễ ăn, gần gũi với người Việt. Cũng vì vậy, đây trở thành món quà nghĩa tình và thiết thực mà nhiều doanh nghiệp gửi đến các hoàn cảnh gặp khó trong đại dịch - như Grab trong câu chuyện nói trên. 

Ngay trong đỉnh dịch, Grab khiến nhiều người ấn tượng khi công bố ngân sách 70 tỷ đồng tiếp sức cho xã hội vượt dịch. Trong đó, một khoản tiền được chi cho 80 tấn gạo và 8.000 thùng mì gói, gửi đến đối tác tài xế kém may mắn, cuộc sống còn nhiều bấp bênh.

Suy cho cùng, tài xế công nghệ cũng là ngành nghề gắn liền với đường phố. Khi người người nhà nhà “giãn cách xã hội", hàng quán đóng cửa thì lượng cuốc xe cũng theo đó vơi dần. Bao nhiêu mảnh đời bỗng chốc trở nên chông chênh vì dịch, nhờ những gói gạo thùng mì từ bàn tay vững vàng của doanh nghiệp níu lại, mới phần nào nhẹ gánh lo toan.

Niềm tin vượt đại dịch

Anh Nguyễn Thành Lộc là một trong những đối tác tài xế được Grab trao tặng gạo và mì. Trước khi dịch bùng phát, mỗi ngày anh dậy vượt 30km từ Bình Dương lên Sài Gòn nhận cuốc. Mấy tháng qua, anh phải tăng thêm khung giờ chạy để bù cho lượng thu nhập thất thoát.

“Mỗi ngày mình chạy ròng rã hàng tiếng", anh Lộc nói. “Nhưng mình là trụ cột chính của gia đình. Việc cần làm thì vẫn phải làm, có điều cẩn thận hơn, chăm súc nước muối, luôn rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn mà công ty tặng, và tin tưởng vào một lúc nào đó đại dịch qua đi” - anh kể lại. 

"Còn kiếm ra tiền là đã may mắn hơn rất nhiều người nên mình cũng chẳng mong gì hơn. Chạy nhiều thì cực nhưng hiện tại đó lại là nguồn thu duy nhất của mình, còn công việc, công ty thì không chết đói được", chị Nguyễn Ngọc Điệp - một đối tác tài xế Grab vừa nói, tay vừa ôm gói gạo nặng trịch trên tay.  

Một đối tác tài xế phấn chấn cùng vợ chở về gạo và mì vừa nhận được từ Grab.

Trong đại dịch, không ai là không gặp khó. Các doanh nghiệp ít nhiều là đối tượng đang phải “oằn mình” vì những tác động của COVID-19. Tài chính biến động, các khoản đầu tư đóng băng, tình hình sản xuất đình trệ… không ngăn cản Grab và nhiều doanh nghiệp khác thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội. 

8.000 túi gạo, thùng mì trao tay không chỉ là bữa cơm no ấm, mà còn là sự quan tâm và khích lệ từ doanh nghiệp, tiếp thêm cho cộng đồng tài xế nhiều niềm tin và động lực trong thời kỳ đình trệ, giúp họ cất bớt những âu lo.

Những biểu tượng tình ngườiđang trở thành “nguồn sống” cho một bộ phận không nhỏ những mảnh đời khốn khó, cũng là “nguồn nhiên liệu” giữ lửa hy vọng về một xã hội mạnh mẽ chung tay vượt qua đại dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn