MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điện mặt trời mái nhà có thể phát lên lưới nhưng không được trả tiền (Ảnh: VGP).

Mua điện mặt trời giá 0 đồng: Không phù hợp, đi ngược chính sách phát triển

Cường Ngô LDO | 10/12/2023 17:08

Bộ Công Thương vừa có đề nghị góp ý về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Trong đó, đề xuất trường hợp cá nhân phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng.

Chính sách đi ngược chủ trương khuyến khích

Theo quyết định số 13/2020 của Thủ tướng, kể từ ngày 1.1.2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không ký hợp đồng mua bán điện từ nguồn điện mặt trời mái nhà có ngày vận hành, phát điện sau ngày 31.12.2020.

Lý do là hiện không có cơ sở thực hiện thỏa thuận đấu nối nên nhiều doanh nghiệp muốn phát triển điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng không thể đấu nối.

Trao đổi với Lao Động chiều 10.12, chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến cho biết, về chính sách phát triển, dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mái nhà nêu “tổ chức cá nhân khi đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, không đầu tư kinh doanh điện, hoạt động kinh doanh mua bán điện”.

Tuy nhiên, dự thảo quy định việc cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư của hệ thống điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện. Trường hợp phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng.

Ông Phan Công Tiến cho rằng, "quy định như này không phù hợp, không mang tính khuyến khích đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà". Bởi nếu đầu tư điện mặt trời áp mái, doanh nghiệp sẽ bị mất phần sản lượng đưa lên hệ thống điện quốc gia do không được ghi nhận và thanh toán chi phí.

"Những hộ dân lắp đặt và sử dụng điện mặt trời, công suất dư thừa họ cũng muốn bán cho đơn vị điện lực. Nếu bên điện lực không mua phần công suất dư thừa này thì rất lãng phí điện, trong khi ở miền Bắc vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong những năm tới", ông Tiến nói.

Điện mặt trời mái nhà có thể hòa lưới nhưng không được trả tiền. Ảnh: Nguyễn Tiến

Theo ông Tiến, thay vì mua giá cao, EVN có thể đàm phán mua lượng điện dư thừa của những hộ dân với giá thấp. Điều này vừa tận dụng, tối ưu hoá nguồn điện trước nhu cầu điện có thể tăng mạnh trong thời gian tới, vừa tránh lãng phí, vừa khuyến khích sử dụng nguồn điện sạch.

Ông Tiến cho rằng, EVN hiện nay phải mua nhiều nguồn điện có giá rất cao, phát thải nhiều như điện than, điện dầu... Thời gian vừa qua, giá những nhiên liệu này tăng chóng mặt. Đó cũng là nguyên khiến giá điện tăng phải tăng 2 lần trong năm 2023.

"Do vậy, một số thời điểm nhất định, EVN có thể mua phần sản lượng mà người dân không dùng hết theo sự điều tiết của cơ quan điện lực và với mức giá thỏa thuận từng thời kỳ. Điều này vừa đảm bảo sự điều tiết hệ thống, vừa tiết giảm chi phí và bổ sung được nguồn điện đáp ứng cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân, vừa tránh điện tăng giá", ông Tiến nói.

Lý lẽ của Bộ Công Thương

Trong khi đó, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khi thông tin về dự thảo ngày 10.12 cho biết, chủ trương khi xây dựng cơ chế về điện mặt trời mái nhà là không mua điện dư thừa của các tổ chức, cá nhân lắp đặt.

"Nếu mua, người dân sẽ lắp đặt nhiều, lắp đặt tràn lan. Khi đó sẽ mất cơ cấu tối ưu của cả hệ thống điện, có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Nếu người dân lắp đặt nhiều, lượng dư thừa nhiều, khi tất cả nguồn điện này đẩy lên hệ thống thì lưới không chịu nổi. Các nhà máy khác phải giảm công suất để nhường cho nguồn điện này…

Vấn đề nằm ở chỗ phải đảm bảo an toàn lưới điện và ổn định của hệ thống điện, chứ không phải là kinh tế", đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng lưu ý tổ chức, cá nhân nên tính toán làm vừa đủ sản lượng tiêu thụ, hoặc ít hơn để chủ động và không lãng phí.

"Họ sẽ tính toán được sản lượng dùng bao nhiêu và nên lắp bao nhiêu cho phù hợp", vị đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói.

Tại Dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Công Thương đề xuất người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng được kết nối với hệ thống điện quốc gia và bán sản lượng dư cho EVN, nhưng với giá 0 đồng.

Điện dư thừa cũng không được phép bán cho các tổ chức, cá nhân khác. Thậm chí, cơ quan soạn thảo còn dự kiến bổ sung quy định để người dân lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát lên hệ thống.

Nguyên nhân chính được Bộ Công Thương lý giải là lượng điện dư thừa có thể ảnh hưởng tới an toàn, an ninh hệ thống điện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn