MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Đoàn Thảo Chi tò mò muốn kích hoạt ví "mua trước trả sau" tại sàn TMĐT nhưng còn nhiều điều khiến bạn do dự. Ảnh: Minh Ánh

“Mua trước trả sau” tiện lợi nhưng cũng không ít rủi ro

MINH ÁNH LDO | 07/08/2023 15:27

"Mua trước trả sau" là hình thức cho phép khách hàng mua sắm ngay lập tức, sau đó thanh toán dần bằng các khoản được chia nhỏ trong một khoảng thời gian.

"Mua trước trả sau" liệu có phải cách kích cầu tiêu dùng?

Trong bối cảnh mua sắm online, mua sắm qua sàn thương mại điện tử được ưa chuộng, các nhu cầu dịch vụ tài chính bắt đầu nở rộ tại các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam.

Một số sàn thương mại điện tử đang kết hợp với công ty tài chính, ngân hàng triển khai dịch vụ mua trước trả sau. Tại sàn giao dịch L.., khách hàng từ 20 tuổi trở lên có thể được cấp hạn mức tín dụng tới 3 triệu đồng để mua hàng hóa, dịch vụ trên sàn TMĐT với lãi suất 0% trả vào tháng sau hoặc trả góp trong 2, 3, 4 tháng với lãi suất 0%... Trong khi đó, hạn mức vay mua sắm trên một sàn khác lên tới 10 triệu đồng và dành cho khách hàng từ 18 tuổi trở lên.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam - cho biết: "Tôi đánh giá, hình thức mua trước trả sau có thể được coi là dịch vụ giúp kích cầu tiêu dùng trong nước, giúp việc mua sắm của người tiêu dùng thêm phần thuận tiện".

Tuy nhiên, ông Trung khuyến cáo, người tiêu dùng nên đánh giá về việc khả năng trả nợ tín dụng của mình ra sao, từ đó mới nên quyết định mua với hình thức này.

Kiểm soát chi tiêu để tránh thành con nợ

Thường xuyên mua sắm trực tuyến qua sàn TMĐT, chị Đoàn Thảo Chi (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tò mò kích hoạt tính năng vay trước trả tiền sau.

Tuy nhiên, là một sinh viên ngành luật, chị Chi soi xét kỹ các điều khoản và điều kiện dịch vụ. Bên cạnh những lợi ích như chia nhỏ được các khoản thanh toán thành nhiều đợt, chị Chi cũng có nhiều thắc mắc liên quan đến vấn đề xét duyệt hồ sơ và rủi ro tín dụng.

Chị Chi chia sẻ: "Điều khoản và Dịch vụ cho biết, trong trường hợp khách hàng thanh toán chậm sẽ bị tính phí thanh toán chậm theo quy định tại Hợp đồng tín dụng. Ngoài ra, nếu khách hàng không trả nợ quá hạn trong thời gian dài, sàn thương mại có quyền phong tỏa các quyền lợi trên nền tảng.

Song tôi tìm hiểu không có điều khoản nào giới hạn việc tôi được vay mới với công ty dịch vụ khác, nếu không có kiểm soát, khả năng tôi sẽ sa đà vào nợ nần. Bên cạnh đó, quảng cáo lãi suất vay là 0%, tuy nhiên phí chuyển đổi trả góp là 2,95%/tháng chưa được nêu rõ, điều này làm tôi có chút băn khoăn khi sử dụng dịch vụ" - chị Chi chia sẻ.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, dịch vụ này tiềm ẩn rủi ro như thẻ tín dụng, do đó, người mua hàng cần cẩn trọng khi sử dụng, không nên để rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất, đồng thời cần lưu ý đến các điều khoản khác nhau giữa các sàn cung cấp dịch vụ này.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - cho biết, việc cho phép người tiêu dùng mua hàng trả sau trên các sàn TMĐT sẽ mang lại nhiều rủi ro tín dụng cho ngân hàng hơn là người tiêu dùng.

"Việc cho vay tiêu dùng qua sàn TMĐT, rủi ro tín dụng có thể tăng lên, nhưng quan trọng, việc các ngân hàng quản lý rủi ro và giám sát ra sao. Tôi cho rằng, khả năng trả nợ không đúng hạn của người dân sẽ tăng lên. Đây là bài toán mà các ngân hàng cần xem xét kỹ lưỡng" - ông Thịnh phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn