MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm hàng hóa thực phẩm tươi sống, đặc biệt là cá tươi vẫn có mức giá cao trong ngày mùng 4 Tết. Ảnh: Vũ Long

Mùng 4 Tết, giá hàng hóa, thực phẩm bắt đầu "hạ nhiệt" nhưng vẫn đắt

Vũ Long LDO | 04/02/2022 14:38

Thị trường hàng hóa, thực phẩm ngày mùng 4 Tết có xu hướng giảm nhiều hơn so với ngày trước đó. Sức mua cũng tốt hơn.

Khảo sát của PV Lao Động ngày mùng 4 Tết cho thấy, hoạt động mua bán hàng hóa đã sôi động hơn, các chợ dân sinh đã bắt đầu bán hàng trở lại phục vụ người dân (các ngành hàng thời trang, quần áo, đồ nhựa... vẫn đóng cửa nghỉ), chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, thịt, cá... Tuy nhiên, giá bán vẫn cao hơn thời điểm sát Tết, dù giá hàng hóa, thực phẩm đã giảm khá nhiều so với 1 ngày trước đó.

Tại một số chợ lẻ, giá thịt lợn mông sấn từ 100.000-130.000 đồng/kg, giá thịt lợn thăn từ 120.000-150.000 đồng/kg; giá thịt bò thăn loại I từ 300.000-350.000 đồng/kg; giá gà ta lông từ 140.000-150.000 đồng/kg; giá tôm sú (loại 26-30 con/kg) từ 420.000-500.000 đồng/kg; cá trắm giá từ 80.000-100.000 đồng/kg. Mặc dù giá tương đối cao, nhưng các loại thịt cũng đã giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với ngày hôm qua (mùng 3 Tết).

Mặt hàng thủy sản tại các chợ trong mấy ngày sau Tết thường đắt khách nhất. Tại một số chợ dân sinh như Đồng Xa, Cầu Diễn, Nghĩa Tân..., giá cá trắm to loại 7-9kg/con, cắt khúc: 140.000 đồng/kg, nguyên con: 110.000 đồng/kg; loại nhỏ hơn giá rẻ hơn khoảng 10.000 đồng/kg.

Thực phẩm tươi sống đặc sản như: Lợn mán nuôi, nai nuôi... vẫn có giá cao. Ảnh: Vũ Long

Chị Nguyễn Thị Chanh – kinh doanh cá nước ngọt tại phố Trần Vĩ (Hà Nội) cho biết: Thông thường sau ngày mùng 1 Tết, nếu đi chợ tiểu thương thường bán với giá rất cao (đặc biệt là giá các mặt hàng "giải ngán" như cá tươi) vì ít hàng và ít người bán).

Tuy nhiên, giá hàng hóa năm nay thấp hơn mọi năm do sức mua chậm bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, nếu như các năm trước ngày mùng 3 mùng 4 Tết giá thủy sản thường tăng “khét lẹt” thì năm nay các tiểu thương chỉ dám tăng khoảng 20.000 đồng/kg với hi vọng bán được hàng nhiều hơn.

Ngày mùng 4 Tết, các mặt hàng thực phẩm khác như bún tươi, mì tươi, rau xanh cũng tăng giá, nhưng không đến mức khó chấp nhận như nhiều Tết trước. Tuy nhiên, so với ngày thường thì mức giá vẫn khá cao.

Cụ thể, các loại rau, củ, quả tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn có giá đắt tới 150% so với ngày thường: Bắp cải: 15.000 - 20.000 đồng/kg, su hào từ 6.000-7.000 đồng/củ, xà lách từ 15.000-20.000 đồng/kg, cà chua: 20.000 - 30.000 đồng/kg, khoai tây từ 14.000-20.000 đồng/kg, súp lơ có giá khoảng từ 20.000 đồng/cây...

Các mặt hàng hoa, quả các loại cũng có giá cao hơn ngày thường: Cam sành loại 1 35.000-45.000 đồng/kg, cam canh loại 1 từ 60.000-70.000 đồng/kg, xoài cát chu từ 55.000-65.000 đồng/kg, bưởi da xanh từ 50.000-60.000 đồng/kg, dưa hấu: 25.000-30.000 đồng/kg,… Hoa cúc: 70.000-80.000 đồng/chục, hoa hồng: 100.000- đồng/chục, hoa hồng loại có cành lộc: 150.000 đồng/chục…

Với mặt hàng thực phẩm chế biến, giá giò lụa từ 130.000-150.000 đồng/kg, giá giò bò từ 280.000-320.000 đồng/kg, giá lạp xưởng Vissan từ 180.000-220.000 đồng/kg tùy loại.

Ổn định nhất là giá nhóm hàng lương thực, giá các loại gạo tẻ thường từ 11.000-14.000 đồng/kg; gạo tẻ chất lượng cao (ST24, ST25, tám Điện Biên, Séng Cù) từ 18.000-42.000 đồng/kg, gạo nếp 25.000-33.000 đồng/kg.

Tại các siêu thị, giá các nhóm hàng thực phẩm tương đối ổn định, không tăng so với thời điểm sát Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn