MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân sản xuất muối sạch trên ô kết tinh trải bạt ở xã Đỉnh Bàn. Ảnh: Trần Tuấn

Muốn đổi mới trong nghề làm muối nhưng thiếu vốn

TRẦN TUẤN LDO | 24/07/2023 15:40

Hà Tĩnh - Mô hình mới "Sản xuất muối sạch trên ô kết tinh trải bạt" đang được thí điểm tại xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) bước đầu đã cho thấy nhiều ưu điểm, người dân và chính quyền địa phương mong muốn được nhân rộng nhưng lại khó khăn về vốn.

Dân hào hứng

Ông Phạm Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn - cho biết, năm 2023, huyện Thạch Hà có Nghị quyết 23 về việc hỗ trợ xã Đỉnh Bàn một mô hình làm muối sạch trên ô kết tinh trải bạt.

Mô hình mới này được triển khai thí điểm đã được vài tháng nay ở cánh đồng muối thôn Tân Phong trên diện tích 5.000m2 với 5 hộ diêm dân tham gia. Ngân sách huyện đầu tư mua bạt và tiến hành lót bạt giúp diêm dân. Ngoài ra còn đưa diêm dân ra Diễn Châu (Nghệ An) để học hỏi, tập huấn.

Ông Tùng khẳng định mô hình sản xuất muối sạch trên ô kết tinh trải bạt có nhiều ưu điểm so với cách sản xuất truyền thống.

Thu gom muối đã kết tinh trên ô trải bạt. Ảnh: Trần Tuấn.

Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn tính toán, mỗi sào muối một ngày cho khoảng 2 tạ muối, bán giá 250.000 đồng/tạ thu được 500.000 đồng. Một vụ muối vào hè thường cho khoảng gần 100 ngày nắng để sản xuất muối.

Trong khi làm ruộng mỗi sào một mùa cũng kéo dài khoảng 3 tháng nhưng chỉ thu được khoảng 3 tạ lúa, bán được gần 2 triệu đồng.

“Chúng tôi đang khuyến khích bà con nhân dân mở rộng quy mô sản xuất muối để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống” - ông Tùng nói và chia sẻ thêm, toàn xã Đỉnh Bàn có 49 ha đất làm muối, hiện có 28 hộ sản xuất muối trên diện tích 38 sào.

“Làm muối trên ô lót bạt nhanh kết tinh muối hơn, cho sản lượng cao hơn và sạch hơn nên thị trường ưa chuộng, làm bao nhiêu cũng không đủ bán. Nếu được huyện đầu tư mở rộng diện tích sản xuất muối sạch trên ô thửa lót bạt, gia đình tôi xin nhận thêm để làm” - bà Đặng Thị Sáng (62 tuổi, trú thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn) là một trong 5 hộ đang sản xuất muối ở mô hình thí điểm chia sẻ.

Vợ chồng bà Sáng hài lòng với mô hình làm muối sạch trên ô kết tinh trải bạt. Ảnh: Trần Tuấn

Muốn học tập nhưng khó về vốn

Ngày 24.7, ông Trương Bá Khanh - Chủ tịch UBND xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) - cho biết, toàn xã Hộ Độ hiện chỉ có 2,5 ha đất ruộng muối đang được người dân duy trì sản xuất muối trong tổng số 30 ha đất làm muối. Hiện phần lớn đất ruộng muối của xã đang bỏ hoang.

Cũng theo ông Khanh, có thời kỳ cao điểm, toàn xã Hộ Độ có đến 120ha sản xuất muối. Cánh đồng muối Hộ Độ trở nên nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, theo thời gian, nghề muối vất vả mà thu nhập bấp bênh, đầu ra khó khăn nên nhiều người dân bỏ nghề đi làm thuê, làm mướn, làm công nhân, làm thợ xây và đi xuất khẩu lao động.

Chủ tịch UBND xã Hộ Độ thông tin thêm, vừa rồi, lãnh đạo xã Hộ Độ có đi tham quan mô hình sản xuất muối sạch trên ô kết tinh trải bạt ở xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà), thấy đây là mô hình mới, hiệu quả cao nên muốn đưa về áp dụng ở địa phương nhưng kinh phí đầu tư lớn quá trong khi ngân sách xã khó khăn nên không thể triển khai.

Ông Khanh nhẩm tính, mỗi sào muối, chỉ tiền công lót bạt đã mất 5 - 6 triệu đồng, chưa kể phải tốn số tiền lớn hơn nhiều để mua bạt.

Sản phẩm muối sản xuất trên ô kết tinh trải bạt cho năng suất cao hơn, sạch hơn. Ảnh: Trần Tuấn.

“Tôi tin chắc rằng nếu được nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bạt về sản xuất muối sạch trên ô kết tinh trải bạt thì người dân sẽ trở lại làm muối nhiều hơn, diện tích làm muối của xã sẽ tăng lên” - ông Khanh chia sẻ.

Từ tình hình thực tế đó, xã Hộ Độ với diện tích 120 ha làm muối trước đây, nay chỉ quy hoạch 30 ha làm muối, còn lại quy hoạch nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi một phần sang đất kinh doanh thương mại dịch vụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn