MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp chỉ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư bất động sản không mang lại lợi nhuận như dự kiến. Ảnh: Cao Nguyên

Muốn lướt sóng bất động sản, doanh nghiệp nên để tên dưới pháp nhân nào?

Đức Mạnh LDO | 05/05/2023 18:37
Trường hợp chủ doanh nghiệp muốn đầu tư lướt sóng thì có thể cân nhắc sở hữu dưới pháp nhân của doanh nghiệp. Bởi khi đó, số thuế đóng sẽ ít trong trường hợp bất động sản không tăng quá nhiều hoặc được miễn thuế khi phải bán lỗ hoặc bán huề vốn.

Chia sẻ trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), bà Trần Thị Mai Hân - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - cho biết cá nhân được miễn thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản trong 2 trường hợp sau:

Một là cá nhân chuyển nhượng bất động sản là tài sản duy nhất, nắm giữ trên 183 ngày và chuyển nhượng toàn phần.

Hai là cá nhân chuyển nhượng bất động sản trong 3 mối quan hệ sau huyết thống, hôn nhân và nuôi dưỡng. 

Nếu như là doanh nghiệp sở hữu bất động sản, căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là thu nhập tính thuế và thuế suất 20%. Công thức tính như sau: Thu nhập tính thuế = Giá mua - Giá bán - Các chi phí liên quan đến việc bán bất động sản.

"Thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản có thể được bù trừ các khoản lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản của các năm trước nếu có. Do đó doanh nghiệp sẽ chỉ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khi phần thu nhập tính thuế bị âm, tức là hoạt động đầu tư bất động sản không mang lại lợi nhuận như dự kiến" - bà Hân chia sẻ.

Các trường hợp nộp thuế đối với cá nhân và doanh nghiệp khi sở hữu bất động sản. Ảnh: Liêm Võ 

Vậy căn cứ vào những yếu tố nào để quyết định lựa chọn đối tượng sở hữu bất động sản? Theo bà Hân, trường hợp chủ doanh nghiệp sử dụng bất động sản cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có thực hiện xây, sửa, tôn tạo bất động sản thì các chi phí phát sinh trong quá trình hình thành bất động sản thì nên chọn doanh nghiệp là đối tượng sở hữu bất động sản.

Khi đó, doanh nghiệp được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Chi phí khấu hao tài sản cố định ghi nhận vào chi phí của doanh nghiệp hàng năm với công thức: Thuế chuyển nhượng bất động sản = (Giá bán - Giá trị còn lại - chi phí khác) x 20%. Có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí vay rẻ hơn. Chi phí lãi vay được khấu trừ trong kỳ tính thuế.

Trường hợp chủ doanh nghiệp muốn đầu tư lướt sóng thì có thể cân nhắc sở hữu dưới pháp nhân của doanh nghiệp. Bởi khi đó, số thuế đóng sẽ ít khi bất động sản không tăng quá nhiều hoặc được miễn thuế khi phải bán lỗ hoặc bán huề vốn.

Trường hợp bất động sản có khả năng là bất động sản duy nhất của chủ doanh nghiệp trong thời gian đầu tư thì nên chọn cá nhân là đối tượng pháp lý sở hữu bất động sản để được hưởng ưu đãi miễn thuế khi chuyển nhượng.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và CTCP FIDT - Đầu tư và quản lý gia sản. Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia tài chính uy tín hàng đầu cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Xem thêm các tin bài của chương trình Tài chính thông minh tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn